Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Không để xảy ra việc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm gây mất đoàn kết nội bộ

Quốc hội chiều 9/6

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 là rất cần thiết nhằm kịp thời triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV và kỳ họp cuối năm 2023 của HĐND các cấp.

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết, trình tự, thủ tục ban hành và các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, các ĐB cũng có ý kiến về một số nội dung cụ thể, nhất là về vấn đề đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm; quy trình lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm.

Các ý kiến cho rằng việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là một trong điểm đổi mới của hoạt động Quốc hội, HĐND từ nhiệm kỳ trước đã được cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi, ghi nhận, đánh giá cao. Mặc dù mới chỉ triển khai thực hiện được một lần từ khi ban hành các quy định và hướng dẫn đến nay, nhưng hoạt động này đã đạt được những kết quả nhất định, tạo thêm niềm tin của cử tri và Nhân dân.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc công khai trong cả hoạt động lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, tuy nhiên trong nội dung cụ thể tại Mục 4 thì dự thảo hiện chỉ quy định nguyên tắc công khai đối với kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được báo cáo cấp có thẩm quyền và được công khai theo quy định, còn việc công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm không được đề cập. Do đó, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị rà soát để bổ sung thêm nguyên tắc công khai đối với hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm để đảm bảo tính thống nhất về mặt nguyên tắc trong cả hai hoạt động lấy phiếu và bỏ phiếu.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị rà soát làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm; trong đó làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Trung ương Đảng khóa XIII, đó là kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ. Quan điểm và nguyên tắc của việc lấy phiếu tín nhiệm là nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu. Do đó, ĐB đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra tình trạng lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm gây mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời trong việc tổ chức thực hiện cần làm tốt việc nắm tình hình và công tác tư tưởng để phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Cũng theo ĐB Mai Thị Phương Hoa, kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ sử dụng để xử lý cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao, mà còn sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ. Cùng với đó là quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ có tín nhiệm cao. Vì vậy, đối với những người có số phiếu tín nhiệm cao ở mức cao thì kết quả này phải được sử dụng như thế nào và vào việc gì cũng cần phải được thể hiện trong lần sửa đổi Nghị quyết này.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương)

Các ý kiến cũng đề nghị rà soát quy định về khái niệm về lấy phiếu tín nhiệm và khái niệm bỏ phiếu tín nhiệm; hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; quy trình thủ tục thực hiện; các hành vi bị nghiêm cấm…

Cũng trong chiều 9/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đa số các ĐB Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, theo đó, Nhà nước có chính sách đầu tư cho quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự bảo đảm khả năng phòng thủ của đất nước, ưu tiên trên các địa bàn chiến lược, trọng yếu. Bảo đảm nguồn nhân lực, tài chính và chế độ, chính sách cho các lực lượng quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc nâng Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự năm 1994 lên thành luật là cần thiết. Đối với dự án Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến, Bộ Quốc phòng cũng đã tiếp thu nhiều nội dung. Đến nay, các nội dung của dự thảo Luật đã cơ bản đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với các luật có liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên… Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát và quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi. Đặc biệt về nội dung liên quan đến phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự, cần phân loại sao cho khoa học, đơn giản và dễ hiểu.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo