Thứ Năm, ngày 7 tháng 11 năm 2024

Kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021): Khát vọng độc lập, tự do của một dân tộc yêu nước!

Ngày 26/9/1945, tại ga Hàng Cỏ, đoàn quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội vào chi viện cho miền Nam, mở đầu cho phong trào Nam tiến, cả nước sát cánh cùng đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ đánh giặc cứu nước. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Tháng 9/1945, không chấp nhận để Việt Nam và Đông Dương giành độc lập, dưới sự ủng hộ của quân Anh với danh nghĩa là lực lượng Đồng minh vào giải giáp quân Nhật, thực dân Pháp đã quyết tâm trở lại xâm lược nước ta. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” đó, Đảng ta, Chính phủ và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tìm mọi cơ hội hòa hoãn, kéo dài thời gian hòa bình nhằm chuẩn bị cho cuộc kháng chiến có thể không thể tránh khỏi.

Thế nhưng, trước dã tâm và những hành động ngoan cố của thực dân Pháp hòng áp đặt sự cai trị Việt Nam và Đông Dương một lần nữa, các nỗ lực cứu vãn nền hòa bình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều bất thành. Quyết tâm giữ vững nền tự do, độc lập của dân tộc, của đất nước, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định cùng nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 19/12/1946, tại Vạn Phúc, Hà Đông (nay thuộc Thủ đô Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” với nội dung:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

Phát lệnh toàn quốc khác chiến tại các của ngõ Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN) Phát lệnh toàn quốc khác chiến tại các của ngõ Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” là lời hiệu triệu toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng chống Pháp với đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”.

Hưởng ứng Lời kêu gọi đó, nhân dân cả nước từ già đến trẻ, từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi và mọi tầng lớp trong xã hội đã nhất tề đứng lên chống Pháp. Hà Nội là một trong những chiến trường chính trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Từ đêm 19/12/1946, quân và dân Thủ đô đã đồng loạt tấn công chủ động, bất ngờ vào các căn cứ của quân Pháp. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân dân Thủ đô kiên cường bám trụ, giành giật với địch từng mái nhà, góc phố, con đường, làm tiêu hao sinh lực địch, giam chân Pháp trong thành phố nhiều ngày để tạo điều kiện cho các cơ quan đầu não, chủ lực kịp thời sơ tán lên chiến khu Việt Bắc một cách an toàn và bước vào giai đoạn trường kỳ kháng chiến vào tháng 3/1947.

Đồng thời, quân và dân cả nước đã đồng loạt anh dũng đứng lên chống Pháp với ý chí căm thù giặc sục sôi, với niềm tin tất thắng.

Quân và dân Hà Nội đào giao thông hào ngay trong Bắc bộ phủ, sẵn sàng chiến đấu chống giặc. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN) Quân và dân Hà Nội đào giao thông hào ngay trong Bắc bộ phủ, sẵn sàng chiến đấu chống giặc. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chính phủ ta đã phát huy tối đa truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để quân dân ta đánh bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, tạo tiền đề vững chắc cho những thắng lợi tiếp theo, từng bước bẻ gãy ý chí xâm lược của chúng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 không chỉ góp phần giải phóng một nửa đất nước Việt Nam mà còn thúc đẩy sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân mới trên phạm vi toàn thế giới.

Kỷ niệm 75 năm ngày Toàn quốc kháng chiến là thêm một dịp để toàn Đảng, toàn dân ôn lại truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng. Bước vào thế kỷ XXI, Đảng và Nhà nước ta đã tiếp tục lãnh đạo nhân dân giành được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, đang từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những thành tựu về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, xã hội… của nhân dân ta trong những năm qua đã được bạn bè quốc tế thừa nhận. Đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta qua nhiều nhiệm kỳ đại hội, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta qua 35 năm đổi mới, như Đảng ta đã nhận định.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: http://hochiminh.vn/) Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: http://hochiminh.vn/)

Tuy nhiên, đất nước ta đang đối diện với những thử thách to lớn, như công nghiệp hoá, hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn bất cập; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn một số hạn chế; những vấn đề toàn cầu, như bảo vệ hòa bình, an ninh con người, thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường... tiếp tục diễn biến phức tạp… Đây là những vấn đề đã được Đại hội XIII của Đảng nhìn nhận và có phương hướng khắc phục.

Phát huy tinh thần khát vọng độc lập, tự do, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc, cả hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên cần tiếp tục sáng tạo, dũng cảm, kiên trì để cùng nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn trong thời gian tới.

Nguyễn Hồ Phong


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo