Thứ Năm, ngày 17 tháng 4 năm 2025

Ngành Y tế TPHCM đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến xây dựng hệ thống y tế thông minh

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 10/4, tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, Sở Y tế TPHCM tổ chức Hội nghị đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số ngành y tế TP. Đến dự có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc; Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, cùng lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn.

Xây dựng hệ thống y tế hiện đại, thông minh, lấy người dân làm trung tâm

Tại hội nghị, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết chuyển đổi số trong ngành y tế TPHCM sẽ được thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện, với mục tiêu xây dựng hệ thống y tế hiện đại, thông minh, phục vụ người dân một cách hiệu quả, thuận tiện và minh bạch hơn.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, ngành y tế TPHCM sẽ tập trung hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông; xây dựng và đưa vào khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung và đảm bảo kết nối, liên thông với Trung tâm dữ liệu của TP.

Đặc biệt, 100% bệnh viện trên địa bàn sẽ triển khai bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh, giảm chi phí, thời gian chờ đợi cho người dân. Các chỉ tiêu trọng tâm đến năm 2025 bao gồm: 95% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến, 80% hồ sơ hành chính được số hóa và 100% bệnh viện triển khai sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID.

Ngành Y tế cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, TPHCM sẽ đạt tỷ lệ 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, 100% văn bản và hồ sơ công việc trong ngành được xử lý hoàn toàn trên môi trường điện tử, 80% hoạt động thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công, đồng thời cắt giảm ít nhất 50% thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước.

Theo kế hoạch, trong tháng 4/2025, Sở Y tế TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết về triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, với lộ trình cụ thể cho các bệnh viện. Việc triển khai chính thức tại 100% bệnh viện trên địa bàn TP sẽ bắt đầu từ tháng 9/2025, tiến tới loại bỏ hoàn toàn bệnh án giấy. Để đảm bảo thực hiện hiệu quả, ngành y tế sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hệ thống thông tin tại các cơ sở y tế, đồng bộ với dữ liệu dân cư, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin và vận hành ứng dụng bệnh án điện tử một cách hiệu quả. Song song đó, trong quý II/2025, Sở Y tế sẽ hoàn tất hồ sơ cấp độ an toàn thông tin cho toàn hệ thống; đến tháng 12/2025, đầu tư trang thiết bị theo phương án bảo mật được phê duyệt.

“Việc triển khai bệnh án điện tử không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí mà còn là bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi số toàn diện, xây dựng nền y tế hiện đại, phục vụ tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân”, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định điều trị thành công 2 ca ghép thận từ người bệnh hiến tạng chết não. (Ảnh Nguyễn Nam) Bệnh viện Nhân dân Gia Định điều trị thành công 2 ca ghép thận từ người bệnh hiến tạng chết não. (Ảnh: Nguyễn Nam)

Quyết tâm chính trị cao để y tế TPHCM trở thành lĩnh vực kiểu mẫu

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành Y tế trong tiến trình chuyển đổi số thời gian qua. Đồng thời, đồng chí cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và yêu cầu cấp thiết phải có những bước đi quyết liệt, toàn diện hơn nữa để ngành y tế thành phố thực sự trở thành lĩnh vực kiểu mẫu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Theo đồng chí Nguyễn Phước Lộc, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu, ngành Y tế, lĩnh vực trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người dân phải là lực lượng tiên phong. “Tổng Bí thư đã nhấn mạnh rằng phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển. Do đó, ngành Y tế càng phải đi đầu”, đồng chí Nguyễn Phước Lộc khẳng định.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Phước Lộc cũng lưu ý, thực tế cho thấy hiện nay quá trình chuyển đổi số trong ngành Y tế vẫn còn không ít điểm nghẽn. Trong khi một số bệnh viện lớn đã tiên phong ứng dụng công nghệ trong quản trị, chẩn đoán và điều trị thì phần lớn các bệnh viện còn lại vẫn chưa có hạ tầng công nghệ phù hợp, hệ thống thiếu đồng bộ, kết nối dữ liệu còn hạn chế.

“Giám đốc bệnh viện không tham gia chuyển đổi số thì làm sao quản trị? Nếu bệnh viện vẫn vận hành thủ công, không kết nối, không chia sẻ dữ liệu, sẽ rất khó để phục vụ người dân một cách hiệu quả, khoa học”, đồng chí Nguyễn Phước Lộc đặt vấn đề.

Từ thực tiễn đó, đồng chí Nguyễn Phước Lộc đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng tại bệnh viện cần thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất, xem chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược. Việc đầu tư cho công nghệ thông tin cần được xác định là đầu tư cho phát triển lâu dài, có chiến lược và bài bản, tránh làm theo phong trào. Bên cạnh đó, việc đào tạo, tuyển dụng đội ngũ chuyên trách có nền tảng công nghệ, lựa chọn đúng người, đúng vị trí để triển khai các giải pháp chuyển đổi số cũng là yếu tố then chốt. “Nếu mỗi nơi làm một kiểu, hệ thống không kết nối được thì sẽ rất lồi lõm, không thể vận hành đồng bộ”, đồng chí Nguyễn Phước Lộc lưu ý.

PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại hội nghị PGS.TS.BS Nguyễn Anh Dũng phát biểu tại hội nghị

TPHCM đủ điều kiện để trở thành trung tâm y tế khu vực

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc cho rằng, TPHCM đã đi đúng hướng khi triển khai quản lý sức khỏe điện tử cho người cao tuổi, tiến tới mở rộng cho phụ nữ và trẻ em. Việc xây dựng được hệ thống dữ liệu sức khỏe đồng bộ, liên thông hiệu quả sẽ là nền tảng vững chắc để bước sang giai đoạn quản trị điều hành y tế bằng công nghệ hiện đại.

“Khi có đủ dữ liệu, người quản lý chỉ cần một bảng dashboard là có thể nắm bắt toàn bộ hoạt động của hệ thống, từ tình trạng thiết bị đến tình hình xử lý hồ sơ. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả, minh bạch, hiện đại hóa toàn bộ ngành Y tế”, đồng chí Nguyễn Phước Lộc phân tích.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cũng giúp ngành Y tế chủ động dự báo rủi ro, điều phối nguồn lực hợp lý, giảm áp lực cho nhân viên y tế và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc nhấn mạnh, với tiềm lực sẵn có, TPHCM hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực châu Á, đúng như mục tiêu đã được nêu tại Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. “Năm 2024, chỉ số ‘TP đáng sống’ của TPHCM đã tăng 6 bậc, trong đó giáo dục và y tế là hai yếu tố then chốt. Nếu ngành y tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ chuyển đổi số, chỉ số này sẽ còn tiếp tục tăng” - đồng chí Nguyễn Phước Lộc nhận định.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc khẳng định chuyển đổi số không phải là một phong trào ngắn hạn mà là yêu cầu tất yếu của thời đại. Do đó, đề nghị các sở, ngành, đặc biệt là Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng ngành Y tế trong quá trình chuyển đổi số, để ngành Y tế đi trước, làm kiểu mẫu cho các lĩnh vực khác.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo