Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Người cách mạng phải biết tự khép mình vào kỷ luật!

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, tháng 2/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật". Theo Tổng Bí thư, phải “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. (Ảnh: zingnews.vn)

(Thanhuytphcm.vn) – Hồi Bác Hồ mới về nước, Người sống chan hòa với người dân, trực tiếp tổ chức việc tuyên truyền, vận động, dạy văn hóa, hướng dẫn bà con thực hiện nếp sống mới, huấn luyện cán bộ… Làm việc có kế hoạch nên Người rất kiên quyết, nghiêm khắc với những ai không thực hiện đúng chương trình, giờ giấc đã đề ra. Có người nào dù đi học, sinh hoạt hay hội họp mà lỡ hẹn với Bác, trễ hẹn thế nào cũng bị Bác phê bình. Người bảo: “Các chú tính xem: mỗi người đi chậm vài phút, mười người đi chậm như thế có phải là lãng phí bao nhiêu thời gian không? Người cách mạng phải biết tự mình rèn luyện, tự khép mình vào kỷ luật”. Từ đó, mọi người rút kinh nghiệm, không còn đến chậm nữa[1].

Chúng ta đều biết, trong công tác hay sinh hoạt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thể hiện là một tấm gương mẫu mực về tính kỷ luật, cả kỷ luật trong tổ chức lẫn với chính bản thân. Nhờ bản lĩnh chính trị vững vàng và tính tổ chức kỷ luật mà Người đứng vững và vượt qua được những hoàn cảnh khó khăn trong một số giai đoạn cách mạng (nhất là lúc hoạt động, học tập ở Liên Xô và trên đất Trung Quốc), hoặc những điều kiện khắc nghiệt (lúc bị tù đày, lúc hoạt động bí mật…). Sau này, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Hồ Chí Minh vẫn luôn gương mẫu chấp hành tính kỷ luật của tổ chức, đồng thời yêu cầu cán bộ các cấp phải rèn luyện để giữ vững tính kỷ luật ấy[2].

Trên thực tế, chúng ta thường xuyên nghe nhắc đến vấn đề kỷ luật, như kỷ luật đảng, kỷ luật quân đội, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, kỷ luật lao động, kỷ luật học sinh, sinh viên hay kỷ luật bản thân... Từng người trong điều kiện cụ thể của mình (về mặt công tác, sinh hoạt, nhiệm vụ…) có thể có nhận thức và hành xử liên quan đến vấn đề kỷ luật khác nhau. Hiểu một cách chung nhất, "kỷ luật" là những quy tắc được xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật, đạo đức xã hội, do cơ quan, tổ chức đặt ra để tạo khuôn khổ ứng xử chung trong một tập thể để duy trì sự ổn định, trật tự, nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong quản lý, công tác, lao động, rèn luyện. Chẳng hạn, nói đến kỷ luật quân đội, chúng ta thường nghĩ đến việc chấp hành nghiêm các quy định chặt chẽ về giờ giấc, tác phong, sinh hoạt, phát ngôn, rèn luyện, báo cáo… và gần như không có ngoại lệ của từng cá nhân hay từng trường hợp nào, để bảo đảm tất cả mọi tổ chức, mọi đơn vị trở thành một khối thống nhất.

Kỷ luật cũng có khi do bản thân một người tự đặt ra cho chính mình nhằm tạo những nguyên tắc rèn luyện, sinh hoạt, học tập của bản thân hướng tới mục tiêu đặt ra. Chẳng hạn, một người tự đề ra nguyên tắc mỗi ngày phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng để chạy bộ 5 km và duy trì đều đặn, nếu giờ đó không thực hiện được thì “bù” vào thời điểm khác, trừ những trường hợp bất khả kháng. Đó là kỷ luật cá nhân, giúp cho người đó rèn luyện được sức khỏe, bản lĩnh.

Người cách mạng nói chung, cán bộ, đảng viên nói riêng phải thực sự khép mình vào kỷ luật, không được đứng ngoài hay đứng trên kỷ luật. Bởi kỷ luật được xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các tổ chức, đơn vị đồng thời gắn với đạo đức xã hội. Do đó, kỷ luật mang tính bắt buộc đối với đối tượng chịu sự điều chỉnh; kỷ luật trong các cơ quan, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau thì sẽ khác nhau; và, kỷ luật chỉ có được thông qua ý thức và rèn luyện của cá nhân chứ không phải tự nhiên mà có.

Kỷ luật được đặt ra bởi nó mang lại những lợi ích, giá trị nhất định cho người đặt ra nó và người chịu điều chỉnh. Kỷ luật góp phần tạo nên thành công của tổ chức, tập thể, cá nhân và là tiền đề cho sự phát triển chung của xã hội. Cơ quan, tổ chức có kỷ luật sẽ là một môi trường làm việc chuẩn mực, góp phần mang lại hiệu quả và chất lượng công việc, từ đó tham gia vào việc tạo nên nhà nước/chính quyền kỷ luật. Cá nhân có kỷ luật sẽ làm việc khoa học, hiệu quả, tránh được sự tùy hứng, tùy tiện, từ đó tạo ra được hình ảnh, ấn tượng nghiêm túc, đáng tin cậy, có tính thuyết phục cao, góp phần vào thành công chung của cơ quan, đơn vị.

Yêu cầu về kỷ luật được Bác Hồ quan tâm dạy cho thiếu niên, nhi đồng. Yêu cầu về kỷ luật được Bác Hồ quan tâm dạy cho thiếu niên, nhi đồng.

Do đó, nhiều người đã đúc kết: “Kỷ luật là sức mạnh”, bởi kỷ luật góp phần giúp “muôn người như một” trên cơ sở cùng thực hiện theo các quy tắc, chuẩn mực chung và hướng đến một kết quả chung. Có người còn nói: “Luật lệ được tạo ra cho những người không sẵn lòng xây dựng luật lệ cho bản thân mình”, bởi do người đó không bảo đảm tính kỷ luật nên phải dùng đến luật lệ để xử lý…

Với vai trò quan trọng của tính kỷ luật như thế, người cách mạng rất cần phải bảo đảm tính kỷ luật. Đó là kỷ luật trong chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy của cơ quan, các quy tắc mà ngành nghề hay lĩnh vực mình hoạt động đang điều chỉnh... Đó là kỷ luật trong việc chấp hành giờ giấc, nguyên tắc và thứ bậc hành chính, phát ngôn, sử dụng mạng xã hội, ứng xử với nhân dân… Đó là kỷ luật trong thực hiện nhiệm vụ theo chức trách được giao (về tiến độ, chất lượng, hiệu quả…), trong thể hiện vai trò, nhiệm vụ của mình nhằm phục vụ nhân dân… Đó là kỷ luật trong việc nêu gương trước cấp dưới, với quần chúng tại đơn vị, với nhân dân nơi cư trú…

Đương nhiên, kỷ luật khác với sự bảo thủ, cứng nhắc, càng khác với sự áp đặt ý chí cá nhân không bảo đảm nguyên tắc cho mọi người rồi khẳng định đó là kỷ luật.

Tiếc là, thời gian qua, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ là lãnh đạo các cấp, kể cả cấp cao, có lúc, có nơi chưa thực sự nghiêm túc, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng. Trong các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm về “lãnh đạo, chỉ đạo, (cấp ủy/tổ chức đảng/cá nhân…) đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”… thường nhắc tới khi xem xét các trường hợp vi phạm. Việc vi phạm kỷ luật đó đã dẫn đến nhiều tổ chức đảng, đảng viên, trong đó có không ít cán bộ cao cấp, đã phải bị xử lý kỷ luật của Đảng bằng nhiều hình thức, bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Do đó, để góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, để các cơ quan, đơn vị, tổ chức được tăng cường sức mạnh và thực hiện có hiệu quả các chức trách, nhiệm vụ của mình, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự khép mình vào kỷ luật, thực sự rèn luyện để bản thân là người có kỷ luật.

Vân Tâm

_____________

[1] Theo Hoàng Việt Quân, Người ở nguồn, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2004, tr.28-29.

[2] Câu chuyện về quá trình viết bài báo nổi tiếng Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân của Bác Hồ vào đầu năm 1969 (sau đó đăng báo Nhân dân nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng) là một bài học điển hình về tính kỷ luật của Người trong việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ (ở đây là “thiểu số phục tùng đa số”).


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo