Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Quỹ bình ổn giá phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 15/3, sau khi khai mạc phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi) và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Quy định rõ việc mua sắm trong trường hợp đặc biệt

Về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), báo cáo một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã phối hợp các cơ quan rà soát, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Đồng thời, bổ sung luật hóa quy định đang được hướng dẫn tại nghị định của Chính phủ về hạn mức áp dụng chỉ định thầu.

Về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị phối hợp với ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý, luật hóa tối đa quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng: quy định rõ trường hợp đặc biệt đối với gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; gói thầu mua sắm vaccine trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh…

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mục đích dự án luật phải giải quyết được những ách tắc hiện nay của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo thuận lợi trong tổ chức triển khai, kiểm tra giám sát, tránh lãng phí, tham nhũng, đảm bảo công khai minh bạch. Về chỉ định thầu, cần áp dụng hình thức này để ứng phó với các tình huống cấp bách liên quan đến dịch bệnh, thiên tai…

Nhiều ý kiến băn khoăn khi thực hiện mua sắm đối với các loại thuốc, hóa chất trong phòng, chống dịch dễ dẫn tới tình trạng lạm dụng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm cấu phần hóa chất trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và mua sắm hàng dự trữ quốc gia, quy định này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành y.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp ngày 15/3 Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp ngày 15/3

Về lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng các trường hợp “đặc biệt” và “đặc thù” nhưng thật cần thiết thì quy định vào trường hợp chỉ định thầu. Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc thù, đặc biệt cũng là chỉ định thầu nên ghi thẳng vào trong luật; tiến tới bỏ các quy định về trường hợp đặc biệt để đảm bảo minh bạch.

Về trường hợp mua sắm vaccine Covie-19 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là trường hợp rất khác, vấn đề chưa từng có tiền lệ, hoàn toàn khác với những điều kiện thông thường, chưa bao giờ từng xuất hiện trong Luật Đấu thầu. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm thể chế trong luật trường hợp “đặc biệt của đặc biệt”, cần quy định rõ để sau này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vận hành được mà không phải ban hành nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội lưu ý đối với lĩnh vực y tế, cần nghiên cứu thêm một số nội dung để vận hành tốt hơn như trong đàm phán giá thuốc và vấn đề đấu thầu đối với biệt dược, vấn đề hóa chất… cũng cần phải có quy định trong Luật Đấu thầu này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là nội dung quan trọng bảo đảm cho minh bạch, công khai môi trường đầu tư kinh doanh, ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ quan điểm, kể cả doanh nghiệp không có đồng vốn nhà nước nào nhưng sử dụng vốn nhà nước để đầu tư, do Nhà nước giao nhiệm vụ đầu tư thì phải đấu thầu, không sợ quy định này làm chậm quá trình mà giúp minh bạch, công khai…

Còn băn khoăn về Quỹ bình ổn giá xăng dầu

UBTVQH cũng thảo luận về Dự án Luật Giá (sửa đổi). Báo cáo một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về dự thảo luật này, đáng chú ý, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, về Quỹ bình ổn giá, Thường trực Ủy ban cho rằng, dù luật hiện hành cho phép lập quỹ trong trường hợp cần thiết nhưng trên thực tế chỉ có Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động nhằm mục tiêu bình ổn giá. Ủy ban cho rằng cần giữ quy định tại về Quỹ bình ổn giá trong Luật Giá nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm cho công tác tổ chức thực hiện đối với các trường hợp cần thiết phát sinh. Ngoài ra, việc giữ quy định về thành lập quỹ như dự thảo luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động...

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, về thẩm quyền quyết định còn ý kiến khác nhau. Cơ quan thẩm tra đề nghị quy định: Quốc hội có thẩm quyền thành lập quỹ, trong thời gian giữa 2 kỳ họp, trường hợp cấp bách, giao UBTVQH quyết định việc thành lập quỹ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trong khi đó, phía cơ quan soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định việc thành lập để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện.

Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/3 Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/3

Cho ý kiến về Quỹ bình ổn giá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu đổi tên theo hướng rộng hơn gồm cả các biện pháp bình ổn giá. Bởi trong thực tế việc bình ổn giá phải theo quy luật thị trường và quản lý, định hướng quản lý của Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhất là bảo vệ lợi ích của những người yếu thế. Trong thực tế cũng có những tình huống rất bất ngờ, rất đặc biệt, ví dụ như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, tình trạng khẩn cấp, khi đó Nhà nước có thể đưa ra quyết định đặc biệt. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đổi tên thành “biện pháp bình ổn giá”, quỹ chỉ là một biện pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại phiên giải trình vừa qua thì nhiều ý kiến cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa đảm bảo đúng mục đích. Báo cáo về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Quỹ bình ổn giá xăng dầu làm nhiệm vụ giảm tăng giá để giảm sốc, là công cụ của cơ quan Nhà nước, nếu bỏ thì ít công cụ tác động, do đó cần tiếp tục duy trì nhưng Chính phủ sẽ kiểm tra, đánh giá để quỹ hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị ban soạn thảo rà soát, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhất là về những vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo