Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Sách chuyên khảo Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

TS Phạm Thị Như Thúy chia sẻ tại chương trình giao lưu và giới thiệu sách chuyên khảo Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 24/9, tại Đường sách TPHCM đã diễn ra chương trình giao lưu và giới thiệu sách chuyên khảo Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh của tác giả - TS Phạm Thị Như Thúy (Ủy viên chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học - nghệ thuật; chuyên viên Phòng Văn hóa - văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM).

Tại buổi giao lưu, các đại biểu và độc giả cùng gặp gỡ, trao đổi với TS Phạm Thị Như Thúy và các diễn giả khách mời gồm: PGS-TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TPHCM; TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM.

TS Phạm Thị Như Thúy chia sẻ, Sách chuyên khảo “Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” là quyển sách chuyên khảo mang tính bao quát lớn, tự cảm nhận trong góc độ nhìn của cá nhân tác giả, đó là nội dung và nghệ thuật, hướng tới tất cả đối tượng nhưng lại cùng trên một văn bản chính luận. Công trình Chuyên khảo có độ dài gần 300 trang, tác giả Phạm Thị Như Thúy đã khảo sát một khối lượng tư liệu lớn, không chỉ là trên cơ sở bộ sách “Hồ Chí Minh toàn tập” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành gồm 15 tập, mà còn khảo sát tư liệu ở nhiều cơ sở lưu trữ cấp Trung ương và địa phương. Với một phạm vi tư liệu lớn như vậy, cuốn sách chuyên khảo này bao quát rất nhiều vấn đề, tạo dựng một chân dung toàn cảnh về văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuốn sách được chia thành bốn chương chính, đi từ những nội dung chung đến những nội dung cụ thể trong việc khảo sát văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chương 1: “Những vấn đề chung” gồm giới thuyết về văn chính luận, từ định nghĩa đến ngôn từ, chức năng, tính thẩm mỹ đặc thù của văn chính luận, lịch sử nghiên cứu vấn đề, những cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu; Chương 2: “Định vị di sản văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong dòng mạch văn chính luận dân tộc” khảo sát dòng văn chính luận thời trung đại, sang thế kỷ XIX, ở giai đoạn đầu thế kỷ XX, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả văn chính luận; Chương 3: “Ý thức về đối tượng tiếp nhận và mục đích viết của văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” đề cập đến các đối tượng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng đến khi viết văn chính luận, sự công khai mục đích viết và tinh thần cách mạng, giá trị nhân văn của văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chương 4: “Nghệ thuật tuyên truyền của văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh nhìn từ phương diện cách viết như thế nào” nêu rõ quan niệm sử dụng ngôn từ, cũng như vấn đề tích hợp thể loại và hệ thống các biện pháp nghệ thuật của văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sách chuyên khảo Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh của tác giả Phạm Thị Như Thúy Sách chuyên khảo Nghệ thuật tuyên truyền trong văn chính luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh của tác giả Phạm Thị Như Thúy

PGS-TS Trần Luân Khiêm đánh giá cao tác giả đã chọn một lĩnh vực mới và khó, đòi hỏi tìm tòi, nghiên cứu sâu nhiều tài liệu, bài viết, bài nói chuyện của Bác Hồ. Văn chính luận của Bác Hồ bao hàm nhiều khía cạnh, được nghiên cứu, tìm hiểu sâu rộng trong cả một quá trình, tạo ra cách thể hiện rõ ý, đi thẳng vào lòng người. Nghiên cứu nội dung, cách viết của Bác là một điều rất thiết thực cho mặt lý luận cũng như thực tiễn. Qua quyển sách, tác giả đã phân tích các khía cạnh khi thể hiện trên từng nội dung, viết như thế nào, viết cho đối tượng nào, mở ra hướng tuyên truyền, quảng bá tư tưởng, phong cách đạo đức của Bác đến đông đảo công chúng, bạn đọc. Trong đó, đặc biệt hướng tới trong thực tế cảm nhận, truyền thụ rộng rãi văn học chính luận của Bác đến sinh viên, học sinh các trường đại học, phổ thông hiện nay.

Với những nghiên cứu công phu, tác giả Phạm Thị Như Thúy đã nêu bật được chân dung văn chương chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật, thông qua một chuyên khảo có tính khoa học, có những đóng góp quý báu, có tính gợi mở vào việc nghiên cứu văn chương chính luận nói riêng và sự nghiệp văn học nói chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

M. Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo