Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tăng cường thực hiện công tác bảo vệ trẻ em

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có báo cáo về thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn TPHCM.

UBND TPHCM cho biết số lượng trẻ em bị xâm hại năm 2021 là 114 trẻ em, năm 2022 là 147 trẻ em; từ ngày 1/1 đến 30/4/2023 là 65 trẻ em.

Theo UBND TPHCM, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em của TPHCM luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội trên địa bàn. Trẻ em được thụ hưởng các dịch vụ công về giáo dục, học tập, chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí… ngày càng nhiều, quá đó giúp trẻ em rèn luyện và phát triển một cách toàn diện về thể chất, trí tuệ và tâm hồn. Phần lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển. 

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà TP phải tập trung giải quyết là tình trạng quá tải trường học, bệnh viện phục vụ người dân nhập cư; công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em trong thời gian qua là một trong những vấn đề được ưu tiên tìm các giải pháp để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa loại tội phạm nguy hiểm này.

Đồng thời, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, không chỉ là người lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên.

Mặt khác, phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và hầu hết các trẻ em bị xâm hại bởi người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình… một số trường hợp xâm hại diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng. Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại trẻ em. Các dạng hành vi xâm hại trẻ em phổ biến là giết, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, giao cấu, dâm ô, bắt cóc, mua bán…

Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn TP thời gian qua có chiều hướng giảm về số vụ nhưng có tính chất ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, hình thức xâm hại chủ yếu là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em (hiếp dâm, giao cấu, dâm ô), kế đến là các hình thức khác như bạo hành thể xác (tra tấn, đánh đập), bạo hành tinh thần (hăm dọa, mắng chửi). Độ tuổi trẻ em trong các vụ xâm hại có chiều hướng ngày càng nhỏ, tập trung nhiều ở độ tuổi từ 10 đến dưới 16.

Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14, TPHCM kiến nghị Bộ, ngành Trung ương đề nghị xem xét quy định về số lượng và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn cho phù hợp với điều kiện thực tế tại TPHCM và có chế độ chính sách thu hút nhân viên công tác xã hội làm việc trong các trường học (bao gồm cả cơ sở mầm non), tại địa bàn dân cư nhằm tăng cường nguồn nhân lực kết nối, giải quyết các vấn đề liên quan công tác bảo vệ trẻ em.

Đồng thời, TPHCM đề nghị tiếp tục quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Qua đó giúp các địa phương có sở sở để triển khai, tránh sự chồng chéo và nâng cao hiệu quả trong công tác can thiệp, xử lý các vấn đề liên quan đến trẻ em.

Vân Minh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo