Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tăng tính thực tiễn cho đội ngũ sinh viên chuyên ngành báo chí, xuất bản

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 21/9, đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) về công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Tăng cường liên kết với các cơ quan báo chí

Theo báo cáo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường đang đào tạo 34 ngành bậc đại học, 34 ngành bậc thạc sĩ, 17 ngành bậc tiến sĩ trong 7 lĩnh vực. Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông, nhiều năm qua, trường đã có nhiều đóng góp cho các mặt công tác lĩnh vực này cho đất nước.

Riêng Khoa Báo chí và Truyền thông, kể từ ngày bắt đầu đào tạo chuyên ngành Báo chí đến nay, đã đào tạo được hơn 3.000 cử nhân chuyên ngành Báo chí. Sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Báo chí và Truyền thông trở thành phóng viên, bình luận viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tín viên cho các cơ quan truyền thông đại chúng như báo in, đài phát thanh, đài truyền hình, báo trực tuyến, hãng thông tấn, các cơ quan xuất bản, quảng cáo, quang hệ công chúng... Nhiều cử nhân Báo chí trở thành cán bộ nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về truyền thông; làm cán bộ chức năng trong các cơ quan quản lý báo chí, xuất bản; hoặc thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi những kiến thức cơ bản, hệ thống về truyền thông và kỹ năng, nghiệp vụ báo chí như các cơ quan văn hóa - tư tưởng, các bộ phận thông tin tổng hợp của các cơ quan đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, kinh tế, ngoại giao...

Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đánh cao công tác đào tạo nhân lực cho lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông tại trường. Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh đánh giá, chất lượng đào tạo chuyên ngành Báo chí của trường rất tốt, thật sự là trung tâm đào tạo báo chí của khu vực phía Nam. Trường có chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo tốt, sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu công việc. Trong công tác đào tạo có tham vấn tổ chức báo chí nước ngoài; tăng cường tự học, tự nghiên cứu, thực hiện đào tạo gắn với thực tiễn rất cao. Chương trình đào tạo được gửi lấy ý kiến của cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông của trường cần nắm bắt nhanh nhạy hơn các xu hướng của truyền thông. Nhà trường phải tăng cường liên kết với các cơ quan báo chí, giúp sinh viên có nơi thực hành ứng dụng công nghệ mới.

Các đại biểu thông tin tại buổi làm việc. Các đại biểu thông tin tại buổi làm việc.

Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo trong chuyển đổi số

Để thực hiện tốt hơn công tác đào tạo nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo trong chuyển đổi số, xây dựng các phòng thực hành ứng dụng công nghệ mới; mua quyền sử dụng các bộ dữ liệu lớn về người dùng để sinh viên thực hành phân tích dữ liệu; trang bị phòng nghiên cứu công chúng dựa trên ghi nhận của camera thông minh và các phần mềm ứng dụng phân tích tâm lý và hành vi.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy về an toàn thông tin mạng, thẩm định tin tức, cách ứng xử có trách nhiệm trên mạng xã hội vào nội dung giáo dục công dân cho học sinh phổ thông.

Nhà trường kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo thường xuyên cử chuyên gia tham gia trình bày chuyên đề cho sinh viên, học viên cao học chuyên ngành báo chí, truyền thông.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác báo chí, xuất bản, truyền thông của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, công tác quản lý, đào tạo của nhà trường phải bảo đảm gắn liền với thực tiễn để tạo ra đội ngũ những người làm công tác thông tin, tuyên truyền đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin chuẩn xác, kịp thời đến công chúng. “Tính chuyên nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu của thời đại, hội nhập của quốc tế; tính tinh thông phải được truyền tải cho đội ngũ người học và người làm báo; nhà trường phải cập nhật kịp thời các quy định, chủ trương của Đảng, Nhà nước về các vấn đề đổi mới nền báo chí” – đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ, một trong ba đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo. Báo chí, truyền thông là lĩnh vực đặc thù, quan trọng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chăm lo. Để báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh cách mạng vẻ vang là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn tin cậy của Nhân dân, là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước… thì việc chăm lo đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông giữ vai trò rất quan trọng.

Về đổi mới chương trình đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo chí, xuất bản truyền thông. Trên cơ sở đó, mỗi đơn vị đào tạo sẽ căn cứ điều kiện cụ thể để thực hiện công tác đào tạo cho phù hợp; đồng thời, thực hiện cơ chế phối hợp với các cơ quan quản lý trong thực hiện công tác đào tạo, giảng dạy để tăng cường tính thực tiễn cho đội ngũ sinh viên chuyên ngành báo chí, xuất bản…

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo