Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị về tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Theo đó, để tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” thiết thực, hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai; chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 và thực hiện Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo thế giới về rừng và sử dụng đất tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nhẹ thiên tai; tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.
Đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 và Kết luận số 61-KL/TW ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp theo đúng quy định của pháp luật; xác định rõ vai trò của người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm.
Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi phá rừng, lấn, chiếm đất rừng trái pháp luật, tình trạng khai thác, vận chuyển tiêu thụ lâm sản bất hợp pháp, tình trạng săn bắt, bẫy, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt, phá rừng trái pháp luật. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị, chủ rừng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; kịp thời phát hiện, phòng ngừa, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, theo dõi hiện trạng, diễn biến rừng; xây dựng, cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng; thực hiện điều tra rừng, xác định hiện trạng diện tích, trữ lượng rừng, trữ lượng các-bon của rừng để quản lý rừng bền vững, nhằm phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị này; theo dõi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả 5 năm thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương: tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện công tác điều tra rừng theo quy định tại Điều 33 Luật Lâm nghiệp và Kết luận số 61-KL/TW ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư, xây dựng cơ sở dữ liệu và hồ sơ quản lý rừng, đảm bảo kịp thời cung cấp số liệu chính xác, đầy đủ, cập nhật về diện tích và chất lượng rừng phục vụ công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở các cấp.
Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng để nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, nâng cao trữ lượng các - bon của rừng và phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Sau 3 năm thực hiện Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025", với sự nỗ lực tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội, đến nay cả nước đã trồng được gần 770 triệu cây, đạt 121% so với kế hoạch; phong trào xã hội hoá trồng cây, trồng rừng ngày càng được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm, ủng hộ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác phát triển rừng và trồng cây xanh còn gặp một số khó khăn, thách thức như: Diện tích đất chưa trồng rừng chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; công tác quản lý quy hoạch, duy trì diện tích đất cho trồng cây xanh đô thị chưa được quan tâm đúng mức; diện tích đất cây xanh đô thị hiện nay thấp hơn nhiều so với các quy chuẩn về quy hoạch đô thị; phát triển cây xanh ở một số địa phương còn manh mún, chưa được quy hoạch thống nhất, đồng bộ.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa cơ quan quản lý trực tiếp cây xanh với các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế; vốn đầu tư cho công tác phát triển rừng còn hạn chế, phân bổ còn chậm, mức hỗ trợ trồng cây, trồng rừng còn thấp so với yêu cầu thực tiễn.