(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TPHCM giai đoạn 2026 - 2030.
Cụ thể, mạng lưới quan trắc chất lượng không khí là 54 vị trí. Mạng lưới quan trắc chất lượng nước sông Sài Gòn - Đồng Nai 27 vị trí. Mạng lưới quan trắc chất lượng nước kênh rạch 89 vị trí. Mạng lưới quan trắc chất lượng nước dưới đất 33 vị trí quan trắc định kỳ. Mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển ven bờ 9 vị trí quan trắc định kỳ. Mạng lưới quan trắc thủy văn 16 vị trí quan trắc định kỳ. Mạng lưới quan trắc sụt lún mặt đất 12 vị trí. Mạng lưới quan trắc chất lượng nước mưa 4 vị trí quan trắc định kỳ. Mạng lưới quan trắc thủy sinh (sông, kênh rạch, nước biển ven bờ) 21 vị trí. Mạng lưới quan trắc các bãi chôn lấp và khu liên hợp xử lý chất thải rắn 83 vị trí.
Đề thực hiện mục tiêu trên, TPHCM thực hiện các giải pháp như: Hoàn thiện và ban hành cơ chế phối hợp về quan trắc chất lượng môi trường giữa các đơn vị có liên quan của TP. Xây dựng các chính sách chia sẻ thông tin quan trắc chất lượng môi trường giữa TPHCM và các địa phương trong khu vực. Xây dựng các chính sách tăng cường công tác xã hội hóa đối với công tác quan trắc môi trường, huy động sự tham gia của các nguồn lực xã hội đầu tư vào việc triển khai thực hiện mạng lưới quan trắc môi trường. Xây dựng và ban hành đơn giá quan trắc định kỳ và tự động liên tục dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động quan trắc môi trường hiện hành.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ, thiết bị quan trắc tự động đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật từng bước bổ sung vào mạng lưới quan trắc môi trường, nâng cao năng lực xử lý và lưu trữ dữ liệu quan trắc môi trường nhằm tạo ra hiệu quả ứng dụng dữ liệu. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị hiện trường, công cụ, công nghệ phục vụ hoạt động quan trắc. Tập trung nghiên cứu, áp dụng, khai thác công nghệ thông tin; công nghệ phân tích hiện đại trong phòng thí nghiệm; công nghệ tính toán dự đoán bằng các mô hình ngôn ngữ, trí tuệ nhân tạo; công nghệ lưu trữ, xử lý tối ưu khả năng lưu trữ dữ liệu. Ưu tiên cho các giải pháp đồng bộ, đảm bảo tận dụng tối đa cơ sở quan trắc môi trường hiện hữu.
Ngoài ra, huy động tối đa nguồn tài chính từ nguồn chi đầu tư phát triển của TP, nguồn hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn ODA, nguồn xã hội hóa và các nguồn vốn khác để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và công nghệ hiện đại cho hoạt động quan trắc môi trường, truyền nhận, xử lý, quản lý dữ liệu và công bố thông tin cho người dân. Duy trì vận hành mạng lưới quan trắc hiện hữu bằng cách bố trí kinh phí thường xuyên nguồn chi sự nghiệp môi trường hàng năm của TP. Huy động nguồn kinh phí từ các dự án quốc tế, dự án chuyển giao/hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và một phần từ ngân sách đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm phục vụ cho mục đích đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm.