Quang cảnh buổi tọa đàm (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 23/5, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp (KCX và CN) TPHCM phối hợp Công đoàn các KCX và CN TPHCM tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ cơ sở”.
Đến dự có Phó Trưởng Ban Quản lý các KCX và CN TPHCM Nguyễn Võ Minh Thư; Chủ tịch Công đoàn các KCX và CN TPHCM Vũ Thế Vân.
Trong năm 2023, tại các KCX và CN TPHCM đã xảy ra 4 vụ tranh chấp lao động tập thể tại các doanh nghiệp thuộc KCX Tân Thuận, KCN Bình Chiểu; KCN Tân Thới Hiệp với 1.380 lao động tham gia/3.967 tổng số lao động, giảm 4 vụ so với năm 2022. Nguyên nhân liên quan đến lương, thưởng Tết, phương án giảm lao động. Các trường hợp này thường không thực hiện đúng quy chế dân chủ ở cơ sở, việc tổ chức đối thoại khi có vụ việc.
Báo cáo tại tọa đàm, Trưởng phòng Quản lý Lao động, Ban Quản lý các KCX và CN TPHCM Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết, Ban Quản lý các KCX và CN TPHCM đã tiếp nhận Quy chế dân chủ cơ sở, biên bản tổ chức đối thoại định kỳ, biên bản hội nghị người lao động trong năm 2023 của 242/742 lượt doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, đạt tỷ lệ 32,6% một số doanh nghiệp có tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở (QCDCCS) nhưng không báo cáo về Ban Quản lý. Đồng thời, tiếp nhận đăng ký nội quy lao động 133 lượt hồ sơ. Lũy kế đạt 830/1053 doanh nghiệp đủ điều kiện đăng ký nội quy lao động (doanh nghiệp có trụ sở chính trong khu, trên 10 lao động), tỷ lệ 78.82%. Bên cạnh đó, tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của 208 lượt doanh nghiệp, lũy kế thỏa ước lao động tập thể còn hiệu lực đạt 631/742 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, tỷ lệ 85%.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Hồng Liên, qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động trong thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp có thực hiện các quy định về thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Tuy nhiên, thực hiện chưa đầy đủ và còn mang tính hình thức như: có thực hiện ký kết thỏa ước lao động tập thể nhưng không gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động theo quy định. Nội dung thỏa ước chủ yếu chỉ theo quy định của pháp luật lao động, ít có điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp xây dựng QCDCCS mang tính hình thức, chép luật; chưa đưa được những quy định cụ thể theo tình hình của doanh nghiệp vào quy chế; nhiều doanh nghiệp có tổ chức hội nghị người lao động và đối thoại định kỳ nhưng ít quan tâm đến việc thực hiện chế độ báo cáo…
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, khi ban hành QCDCCS cần đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người lao động, cho thôi việc người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, xây dựng phương án sử dụng lao động; xây dựng thang lương bảng lương và định mức lao động, ban hành quy chế thưởng, ban hành nội quy lao động và khi tạm đình chỉ công việc của người lao động…
Sau khi được ban hành QCDCCS, các đại biểu cho rằng, cần phải được phổ biến công khai đến người lao động; kết thúc các kỳ đối thoại và hội nghị người lao động, doanh nghiệp phải gửi biên bản về Ban Quản lý các KCX và CN TP.
Theo Chủ tịch Công đoàn các KCX và CN TPHCM Vũ Thế Vân, tọa đàm này, nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; đảm bảo các nội dung người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định và được kiểm tra, giám sát theo các Điều 43, 44, 45, 46 Nghị định số 145/2020NĐ-CP, tiến đến việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp, không để xảy ra tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc, lãn công, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho chủ doanh nghiệp và người lao động.