Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thông tri số 14-TT/TU ngày 06/04/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về lãnh đạo đại hội hội nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam thành phố lần thứ IX (nhiệm kỳ 2013 - 2018)

Để lãnh đạo đại hội hội nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ IX (nhiệm kỳ 2013-2018) đạt kết quả tốt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 04 tháng 02 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo đại hội hội nông dân các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu :

1. Các huyện ủy, quận ủy nơi có tổ chức hội nông dân Việt Nam :

1.1. Tổ chức quán triệt Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 04 tháng 02 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo đại hội hội nông dân các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2013 - 2018) và Thông tri này đến các cấp ủy đảng trực thuộc, chính quyền, đảng viên, cán bộ, hội viên hội nông dân; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của hội nông dân thành phố và các cấp hội trong phát triển nông nghiệp đô thị, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ thành phố.

1.2. Lãnh đạo ban chấp hành hội nông dân huyện, quận xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội và chuẩn bị chu đáo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới và công tác nhân sự trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau :

- Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của các cấp hội cần đánh giá đúng thực trạng tình hình tổ chức hoạt động, phong trào hội nông dân trong nhiệm kỳ qua, nhất là những vấn đề mới đang được hội viên quan tâm; khẳng định Hội Nông dân thành phố là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân thành phố, những đóng góp của hội nông dân các cấp của thành phố có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng ở nông thôn, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Phát huy dân chủ trí tuệ của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân đế đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm trong công tác xây dựng tổ chức hội, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ qua, phân tích sâu sắc nguyên nhân đã làm được, chưa được, rút ra những kinh nghiệm thực tiễn, thiết thực cho nhiệm kỳ mới.

- Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới cần bám sát Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 01 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ thành phố, Chương trình hành động số 43-CTr/TU của Thành ủy về thực hiện nghị quyết số 26-NQ/TW và nghị quyết đại hội đảng bộ cấp mình gắn với thực hiện Thông tri số 08-TT/TU ngày 06 tháng 9 năm 2011 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 08 tháng 12 năm 2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; nắm vững tôn chỉ, mục đích của Hội Nông dân Việt Nam, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, xây dựng và phát triển tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên.

Trong quá trình lãnh đạo chuẩn bị đại hội, các cấp ủy cần kết hợp đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 15 tháng 02 năm 2000 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” và Kết luận số 61-KL/TW ngày 03 tháng 12 năm 2009 của Ban Bí thư (khóa X) về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”, để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với tổ chức Hội.

- Việc chuẩn bị nhân sự ban chấp hành các cấp hội nông dân khóa mới phải đảm bảo tiêu chuẩn, có số lượng và cơ cấu hợp lý, chú trọng nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hoạt động xã hội tích cực, có sự kế thừa và phát triển, đáp ứng năng lực lãnh đạo công tác Hội trong tình hình mới. Nhân sự ban chấp hành, Ban thường vụ các cấp Hội khóa mới, nhất là các đồng chí giữ cương vị chủ tịch và phó chủ tịch Hội phải là những người thật sự tiêu biểu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín và khả năng tập hợp, đoàn kết hội viên, nông dân; gương mẫu, nhiệt tình, tâm huyết và có điều kiện hoạt động, gắn bó với hội. Việc chọn, giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội phải dân chủ, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình theo quy định của Đảng và Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; chú trọng phát hiện cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Quá trình chuẩn bị nhân sự chủ chốt của Hội ở các cấp cần chú ý thực hiện việc luân chuyển cán bộ đảng, chính quyền sang công tác Hội và cán bộ Hội nông dân làm công tác đảng, chính quyền.

- Thời gian tổ chức đại hội : cấp cơ sở (xã - phường, thị trấn) hoàn thành trong quý II năm 2012; cấp quận, huyện hoàn thành trong quý IV năm 2012; Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố tổ chức vào quý I năm 2013.

Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy, các quận ủy, huyện ủy chọn một số đơn vị tổ chức đại hội điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.

1.3 Chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức đại hội hội nông dân các cấp chu đáo, trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh phô trương hình thức và lãng phí; đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tạo điều kiện thuận lợi để hội nông dân tiến hành đại hội đúng tiến độ, đạt kết quả cao nhất. Thường trực huyện ủy, quận ủy, ủy ban nhân dân huyện, quận gặp gỡ đại biểu đại hội Hội nông dân huyện, quận lắng nghe ý kiến, kiến nghị của đại biểu về hoạt động Hội, về phong trào thi đua yêu nước của nông dân, về xây dựng nông thôn mới, về phát triển nông nghiệp đô thị, về đời sống vật chất văn hóa của nông dân, tháo gỡ khó khăn, giải quyết kiến nghị và thông tin tình hình kinh tế - xã hội địa phương, định hướng hoạt động Hội và phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước của nông dân địa phương.

2. Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố phát động phong trào thi đua yêu nước trong tổ chức Hội, đến tận hội viên và đông đảo nông dân, thiết thực xây dựng nông thôn mới, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, chào mừng đại hội đại biểu hội nông dân các cấp, với những nội dung cụ thể, sát với yêu cầu nhiệm vụ từng địa phương.

3. Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy, Đảng đoàn Hội Nông dân thành phố xây dựng đề án nhân sự, chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.

Đảng đoàn Hội Nông dân thành phố phối hợp với các huyện ủy, quận ủy (nơi có hội nông dân) chỉ đạo công tác chuẩn bị nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch hội nông dân theo đúng nguyên tắc, quy định hiện hành.

4. Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí thành phố mở đợt tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về vai trò, vị trí của Hội Nông dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thành phố; chỉ đạo công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội.

5. Giao Ban Dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Hội Nông dân thành phố theo dõi việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Ban Bí thư và Thông tri này, định kỳ báo cáo kết quả cho Ban Thường vụ Thành ủy và báo cáo kết quả đại hội hội nông dân các cấp thành phố vào đầu quý II năm 2013.

Thông tri này phổ biến đến chi bộ.

T/M BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ BÍ THƯ

(Đã ký)

Nguyễn Thị Thu Hà

Tin khác

Thông báo