Ở nước ta cũng không ngoài qui luật đó, thời nào cũng có những phần tử cơ hội được biểu hiện bằng những hình thức, mức độ khác nhau. Đặc biệt từ ngày đổi mới đến nay, do tác động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước, các phần tử cơ hội ngày càng nhiều hơn. Họ chủ yếu sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại để tán phát các tài liệu, dù đó chỉ là những mớ hổ lốn, không có cơ sở để hình thành 1 học thuyết của chủ nghĩa cơ hội, mà chủ yếu là chống phá, gây hoài nghi trong dư luận, gây mâu thuẫn nội bộ. Lúc đầu thì họ tỏ thái độ không theo một đường lối rõ rệt, không có chính kiến hẳn hoi, lúc ngã bên này, lúc nghiêng bên nọ, tùy thuộc vào lợi ích trước mắt của họ. Đặc điểm của tất cả các loại chủ nghĩa cơ hội là mang tính chất không rõ ràng, lờ mờ và tạo ra hiểu thế nào cũng được; thường là trung dung, quanh co uốn khúc như con rắn nước. Nhưng tất cả đều gắn với chủ nghĩa cá nhân, thể hiện sự bất mãn hay kiêu ngạo, không tôn trọng tổ chức, coi thường tập thể, dần dần đi đến bài xích đường lối, chủ trương. Khi tình hình đất nước có nhiều khó khăn, với những mặt trái của cơ chế thị trường cùng sự yếu kém trong quản lý, điều hành, sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; quan liêu tham nhũng, phân hóa xã hội ngày càng lớn, môi trường văn hóa xã hội xuống cấp… thì các phần tử cơ hội hoạt động ngày càng ráo riết hơn. Họ nối kết các nhóm cơ hội trong nước, phối hợp chặt chẽ với các thế lực thù địch ở bên ngoài, cho rằng “thời cơ đã đến”, nên hoạt động của họ dần dần công khai, muốn hợp pháp hóa, quốc tế hóa. Đặc biệt khi các thế lực phản động, chống phá từ bên ngoài ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa ở nước ta thì chủ nghĩa cơ hội hoạt động ráo riết hơn, cực đoan hơn với cường độ mạnh hơn, diện rộng hơn và thời lượng nhiều hơn, liên tục hơn. Lợi dụng chủ trương “mở cửa” thời kỳ đầu đổi mới, một số người viết sách, báo, tài liệu và lợi dụng các diễn đàn tuyên truyền quan điểm dân chủ tư sản, các khuynh hướng cơ hội theo kiểu Đông Âu. Sau khi chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực đế quốc cho là thời cơ đã đến để xóa bỏ toàn bộ các nước XHCN. Các thế lực cơ hội chủ nghĩa được cơ hội tấn công vào học thuyết Mác-Lênin, phê phán, bôi đen chủ nghĩa xã hội hiện thực, đòi Đảng Cộng sản phải rút lui khỏi vũ đài chính trị, ít ra cũng “đa nguyên đa đảng”. Dần dần cực đoan đến mức trắng trợn bác bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi bỏ điều 4 Hiến pháp, từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng; thậm chí trơ trẽn phủ nhận lịch sử đấu tranh, hy sinh xương máu của nhân dân ta trong sự nghiệp giành và giữ độc lập dân tộc… Đó chính là kịch bản của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Mục đích sâu xa, cuối cùng của âm mưu này là xóa bỏ chế độ XHCH ở Việt Nam, đưa nước ta theo quỹ đạo CNTB. Muốn vậy phải xóa cho được “nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng nước ta” là sự lãnh đạo của Đảng. Muốn xóa vai trò lãnh đạo của Đảng thì phải xóa cho được nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với phê phán, lên án những khuyết tật của xã hội, những hạn chế của Đảng, Nhà nước, bôi đen bức tranh xã hội, gắn kết một cách ác ý những tiêu cực đó với sự độc quyền lãnh đạo của Đảng, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin trong nhân dân. Vào những dịp Đại hội Đảng các cấp, bầu cử Quốc hội, sửa đổi Hiến pháp… thì các hoạt động của các thế lực thù địch, cơ hội lại rộ lên, cực đoan và trắng trợn hơn. Nói tóm lại, hệ thống quan điểm của họ chỉ quanh quẩn mấy điểm: 1/, Phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng (chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh); 2/, Phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; 3/, Phủ định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; 4/, Phủ định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Gần đây trên mạng tán phát “Thư ngỏ gửi cho Đảng Cộng sản Việt Nam” của 61 người xưng danh là “đảng viên”, dân mạng thường gọi tắt là TN61; trong đó có nhiều vị đã có tuổi đảng khá cao, có người đã từng giữ các chức vụ cao cấp trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Ở đây, tôi không nói đến tư cách, nhiệm vụ của người đảng viên, việc sai nguyên tắc sinh hoạt đảng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Cũng không muốn nêu ra trong danh sách mấy chục người đó, có rất nhiều người đã bỏ sinh hoạt đảng từ lâu không có lý do, không báo cáo với tổ chức đảng, nghĩa là trên thực tế đã không còn là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nữa, nhưng vẫn nhân danh “đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trung thành với tâm nguyện vì nước, vì dân”. Lại càng không muốn đề cập đến những lời lẽ trơ trẽn và dối trá, lời lẽ của một kẻ phản bội không nhân cách: “hồi đó 99% chúng tôi “bị” kết nạp đảng…”.
Ở đây tôi muốn khẳng định một điều, so với những gì tôi đã nêu trên đây về thủ đoạn và “hành trình” của những kẻ cơ hội và những gì của các phần tử và các nhóm cơ hội đã làm lâu nay thì TN61 chẳng có gì lạ cả, không có gì mới, chẳng qua chỉ “nhai lại” luận điệu cũ rích của các thế lực phản động, thù địch, cơ hội ở nước ngoài cũng như trong nước. Nhưng những điều nhàm chán, cũ rích ấy được các thế lực thù địch a dua tâng bốc, thổi phồng trên phương tiện thông tin mạng, coi như những người dũng cảm dám nêu ra cái mới nhằm lừa dối dư luận, đích thực họ là những kẻ “giàu có về các thủ đoạn”.
Họ viết “từ nhiều năm nay, Đảng CSVN dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng CNXH theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin”. Không biết “từ nhiều năm nay” là từ năm nào, đã bao nhiêu năm? Ai ai cũng biết nước ta đã thực hiện đường lối đổi mới gần 30 năm, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là “mô hình xô-viết” ư ?. Thực chất là trắng trợn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận con đường tiến lên CNXH của nước ta, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin. Cho nên họ không ngần ngại giấu giếm mưu đồ đích thực của họ là yêu cầu “Đảng Cộng sản Việt Nam thay đổi cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng CNXH, thay đổi thể chế chính trị…”. Ai ai cũng biết, công cuộc đổi mới đất nước ta gần 3 thập kỷ qua dù lắm lúc gian nan do tác động của các yếu tố toàn cầu cũng như những yếu kém, hạn chế của chúng ta, song không một ai, không một thế lực nào có thể phủ nhận rằng, trong hoàn cảnh thế giới diễn biến hết sức phức tạp, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta đã vượt ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập khu vực và thế giới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và không ngừng nâng cao. Mọi ngành, mọi địa phương, mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, mọi cá nhân, gia đình… đều đã có công đóng góp và đều được hưởng thụ những thành tựu đó, kể cả gia đình những người ký tên vào TN61.
Luận điệu bài bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin đã có từ lâu, nào là “một thứ ý thức hệ hư ảo”, “là không tưởng”, “lỗi thời”, “không phù hợp với Việt Nam”… Những người học chủ nghĩa Mác-Lênin theo kiểu học vẹt, thuộc và nhớ nhiều câu chữ, tư duy giáo điều, đầu óc ít sáng tạo, khiếm khuyết về tri thức, khi gặp những vấn đề thực tiễn sinh động hiện nay khó lý giải được, nên lúng túng, hoang mang, dẫn đến cực đoan, sai lệch. Chủ nghĩa Mác-Lênin là một khoa học, có tính cách mạng và tính nhân văn sâu sắc với linh hồn là phép biện chứng duy vật, với hòn đá tảng kinh tế là học thuyết giá trị thặng dư, với những phát kiến vĩ đại về chủ nghĩa duy vật lịch sử mà nội dung cơ bản là học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, vai trò của giai cấp công nhân, của quần chúng lao động… thì có gì là không tưởng, là lỗi thời, có gì mà không phù hợp, không coi là nền tảng. Chính là biện chứng nên chủ nghĩa Mác-Lênin luôn được bổ sung, phát triển, nên có giá trị trường tồn và sức sống mãnh liệt. Chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng ta là ở lập trường quan điểm, phương pháp cách mạng. Lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin là lập trường cách mạng triệt để; quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin là quan điểm khoa học, xuất phát từ thực tiễn, phát hiện quy luật và làm theo quy luật; phương pháp theo chủ nghĩa Mác-Lênin là phương pháp biện chứng.
Trong TN61 cũng đã nêu ra “thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ” cũng là luận điệu cũ rích theo tư duy “một đảng cầm quyền thì không có dân chủ, một đảng cầm quyền đồng nghĩa với độc đoán, chuyên quyền, bóp nghẹt dân chủ”. Họ cũng khuyên “xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ”. Họ phê phán tình trạng quan liêu, tham nhũng, nhóm lợi ích bất chính… Tất cả những điều này Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang làm, nhất là trong những năm gần đây, với các nghị quyết về chống tham nhũng, lãng phí; về công tác xây dựng Đảng, mở rộng dân chủ vv. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta luôn chú trọng “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện một đảng cầm quyền”. Lý luận về chính đảng, về xây dựng nền dân chủ và nhà nước pháp quyền cũng như thực tiễn xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ, nhất là trong thời kỳ đổi mới cho thấy, dân chủ không phụ thuộc vào mô hình một đảng hay nhiều đảng. Thực tế trên thế giới có biết bao nước đa đảng mà đã diễn ra bao biến cố chính trị sôi động và phức tạp, gây bất ổn, bạo loạn làm tổn hại quyền dân chủ của nhân dân, an sinh xã hội, thậm chí đầu rơi máu chảy. Ở các nước Phương Tây cũng được tuyên truyền là “đa nguyên đa đảng”, nhưng trên thực tế cũng chỉ có một vài đảng chiếm ưu thế, nắm địa vị cầm quyền. Ở Mỹ có 2 đảng nhưng cũng chỉ như là “2 chiếc giày của một đôi chân”. Ba thập kỷ đổi mới ở nước ta, bên cạnh những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, có thành tựu về dân chủ, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của người dân. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mục đích của CNXH là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là điều quan trọng nhất. Nhiều lần Bác khẳng định chế độ ta là chế độ dân chủ, người dân là chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân; dân chủ là chìa khóa của mọi tiến bộ và phát triển. Đó là nền tảng, giữ vai trò chỉ đạo mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước ta. Hiện nay, Đảng ta khẳng định dân chủ là một trong những mục tiêu, đóng vai trò động lực của phát triển, của đổi mới đất nước. Thực tiễn đổi mới ở nước ta cho thấy vấn đề dân chủ không phụ thuộc vào mô hình một đảng hay nhiều đảng. Vấn đề là ở chỗ, bản chất, mục đích và thực hành đường lối trong thực tiễn cuộc sống của đảng cầm quyền như thế nào. Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc; vì nhu cầu cứu nước khỏi ách thực dân, vì độc lập cho dân tộc mà sinh ra; vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân mà chiến đấu, hy sinh. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Đảng hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân để “làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân”. Rõ ràng vấn đề dân chủ và thực hành dân chủ, chống quan liêu tham nhũng, xa dân là vấn đề chính trị có tính thời sự, Đảng và cả hệ thống chính trị cùng toàn dân đang ra sức thực hiện. Nếu thật sự là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, là công dân có trách nhiệm đối với đất nước, thì những điều trên đây không thể không biết!