Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Giá trị lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập và quyết tâm hiện thực khát vọng ấm no, hạnh phúc của Nhân dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, chấm dứt thời kỳ lịch sử lâu dài của dân tộc dưới những chế độ áp bức, bóc lột khác nhau. Trong cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19 hiện nay, sự bình an, khát vọng ấm no, hạnh phúc của Nhân dân là nhiệm vụ cách mạng cao cả, trọng trách nặng nề mà Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị đang quyết tâm thực hiện.

Từ giá trị lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập

Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã luôn dũng cảm chiến đấu đánh tan mọi thế lực xâm lược hùng mạnh nhất để giành và giữ nền độc lập dân tộc. Đến giữa thế kỷ XIX, dân tộc ta phải đương đầu với những kẻ thù mới, lớn mạnh hơn ta rất nhiều lần, đó là thực dân Pháp và phát xít Nhật. Do vậy, toàn thể dân tộc Việt Nam tiếp tục đứng lên, theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trì đấu tranh để giành lại nền độc lập dân tộc, bước vào một thời kỳ lịch sử hoàn toàn khác, với một chế độ chính trị, xã hội không còn áp bức, bóc lột. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho Nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc[1]”.

Đánh dấu thắng lợi vĩ đại Cách mạng Tháng Tám và mở ra một trang mới của lịch sử dân tộc, ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy[2]”. Người nhấn mạnh “dân tộc nào cũng có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do[3]” mà theo Người, ý nghĩa sâu xa của điều này là “nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì[4]”.

Qua thực tiễn có thể khẳng định, Tuyên ngôn Độc lập đã thức tỉnh, lay động, cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh để bảo vệ đất nước. Tuyên ngôn Độc lập còn xác định thái độ, trách nhiệm của mỗi người dân trước các nguy cơ tồn vong của dân tộc, bởi “nước có được độc lập thì dân mới có tự do, đồng bào mới có cơm ăn, áo mặc, được học hành”. Trong mỗi hoàn cảnh cụ thể của đất nước, Tuyên ngôn Độc lập luôn mang lại giá trị và bài học sâu sắc, là kim chỉ nam hành động cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; khẳng định ý chí, khát vọng ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Trao quà tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Trao quà tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Quyết tâm kiểm soát dịch Covid-19 để sớm trở lại trạng thái bình thường

Trải qua 76 năm từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ trung ương đến địa phương đã luôn quyết tâm, nỗ lực hiện thực hóa khát vọng về ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Mưu cầu hạnh phúc là nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của mọi người dân. Đó là khát vọng về một xã hội tốt đẹp mà ở đó con người ai cũng được phát triển toàn diện…”. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng cách mạng chân chính và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân có đủ năng lực và quyết tâm hiện thực hóa khát vọng chính đáng đó.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, kéo dài qua nhiều tháng nhưng vẫn chưa được kiểm soát một cách triệt để. Tất cả các giải pháp quyết liệt, khả thi nhất có thể đảm bảo an toàn cuộc sống người dân và kiểm soát dịch bệnh đã được thảo luận và triển khai. Những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam đã được phát huy mạnh mẽ. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế, lực lượng quân đội và công an, đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã luôn sát cánh cùng Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Những nguồn lực con người và vật chất liên tục được huy động và chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh bằng tình cảm thân thương nhất.

Đảng bộ, chính quyền thành phố đang tăng cường các biện pháp nghiêm ngặt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, tăng cường xét nghiệm toàn dân, tăng cường việc tiêm vaccine phòng chống dịch diện rộng để quyết tâm kiểm soát dịch Covid-19 vào thời điểm ngày 15 tháng 9 năm 2021 như Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra, giảm số ca tử vong do dịch. Đồng thời cũng đẩy mạnh triển khai các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, “không phân biệt là người có hộ khẩu hay người tạm trú trên địa bàn”.

Bộ đội đi chợ giúp dân. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Bộ đội đi chợ giúp dân. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Rất cần sự chung sức đồng lòng hơn nữa của mỗi người dân

Đại dịch Covid-19 đã tiếp tục đặt dân tộc ta vào cuộc chiến đấu mới đầy cam go, khốc liệt, mỗi người đối diện với hiểm nguy, mất mát, thương vong… đòi hỏi thái độ trách nhiệm, tỉnh táo, kiên trì và lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn thể Nhân dân. Các tầng lớp Nhân dân ở những nơi có dịch trên cả nước nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng cũng đã và đang phải trải qua thiệt thòi, bất tiện, mất mát, đau thương… do dịch Covid-19 gây ra. Đó là một sự thật đau lòng vẫn đang âm thầm diễn ra trong từng gia đình, từng khu phố, mỗi làng xã! Khát vọng về bình an, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân ta hơn lúc nào hết lại càng dâng cao.

Để Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện được mục tiêu kiểm soát dịch Covid-19 vào thời điểm ngày 15 tháng 9, cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của các lực lượng tuyến đầu chống dịch thì một trong những nhân tố quyết định vẫn thuộc về Nhân dân. Đó là sự chung sức đồng lòng cùng thành phố, tiếp tục kiên trì vượt qua những khó khăn bất tiện trong sinh hoạt, trong cuộc sống hàng ngày đã tồn tại trong mấy tháng vừa qua và nhất là đợt cao điểm siết chặt các giải pháp thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đó là sự cảm thông, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm cùng thành phố; tự giác tuân thủ biện pháp 5K và tích cực tham gia tiêm vaccine khi có thông báo từ chính quyền địa phương. Đó là sự phản ánh kịp thời những tồn tại, hạn chế của chính quyền các cấp trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, trong công tác chăm lo an sinh xã hội bằng tinh thần xây dựng. Đó còn là sự sẵn sàng đóng góp về tinh thần, sức lực để góp sức cùng lực lượng tuyến đầu. Mỗi cá nhân cần nhận thức mình là nhân tố trung tâm, là mục tiêu, là chủ thể của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

Khi cả nước xác định “chống dịch như chống giặc” thì cũng đồng nghĩa đã xác định phải trải qua mất mát, đau thương. Để có được sự bình an, ấm no, hạnh phúc lâu dài, bền vững, không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận hy sinh những lợi ích trước mắt, dẫu biết rằng cũng rất chính đáng và quan trọng. Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh năm nay đúng vào thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh đang siết chặt việc thực hiện giãn cách xã hội, các nhu cầu vui chơi, giải trí đã bị giới hạn. Nhưng cùng quyết tâm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 để Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường, để cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc lại trở về với mỗi người, mỗi gia đình là mục tiêu quan trọng và cần thiết nhất.

Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh đoàn kết toàn dân. Không có gì quý giá và cao cả hơn khát vọng ấm no, hạnh phúc của toàn dân tộc. Đó cũng là giá trị trường tồn của Tuyên ngôn Độc lập trong mọi giai đoạn lịch sử.

Trịnh Thanh Toàn

____________________

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 25-26.

[2] Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945.

[3] Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 56.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo