Thứ Hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024

Tạo cơ chế phù hợp để quản lý có hiệu quả vốn của nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 29/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản nhất trí với việc xây dựng dự án Luật nhằm quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, qua đó khẩn trương tháo gỡ, sửa đổi các vướng mắc về quy định pháp lý gây cản trở hoạt động, hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Về đối tượng và phạm vi áp dụng, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nêu rõ, dự thảo Luật áp dụng cho các đối tượng có vốn nhà nước nắm giữ trên 50%, không quy định đối với các doanh nghiệp sở hữu vốn nhà nước dưới 50%. Do vậy, ĐB đề nghị cần phải mở rộng phạm vi quản lý đối với doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước, và quy định về nguyên tắc quản lý dòng tiền của nhà nước là “dòng tiền Nhà nước đi tới đâu, Nhà nước theo dõi và quản lý tới đó, và chỉ quản lý dựa theo tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần” để bảo đảm được nguyên tắc quản trị tài chính.

Các ĐB đều chung quan điểm, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là dự luật quan trọng, có tác động đến nguồn vốn đầu tư rất lớn của nhà nước trong toàn bộ nền kinh tế, do đó, cần phải rà soát kỹ lưỡng; các quy định trong dự thảo Luật phải chặt chẽ, một mặt Nhà nước kiểm soát được vốn của mình, tránh thất thoát, mang lại hiệu quả kinh tế; mặt khác, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội chiều 29/11 Quốc hội chiều 29/11

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ một khối lượng tiền vốn tài sản rất lớn trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tuy nhiên hoạt động kém hiệu quả và thua so với các doanh nghiệp tư nhân. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là cơ chế quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước hiện nay còn chưa phù hợp, chồng chéo và trói buộc các doanh nghiệp. Tuy chặt chẽ, trói buộc nhưng tiền vốn đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước bị thất thoát thì vẫn không phát hiện kịp thời và khi phát hiện thì không quy được trách nhiệm, khi quy trách nhiệm xử lý được cá nhân thì “tiền cũng đã mất rồi”.

Do vậy, phải sửa căn bản luật này để tạo ra một cơ chế quản lý mới, phân định rõ quyền, trách nhiệm giữa quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu với quản trị của doanh nghiệp, tạo một cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tạo một cơ chế phù hợp để quản lý có hiệu quả vốn của nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp theo nguyên tắc ở đâu có tiền nhà nước đầu tư thì ở đó phải có cơ chế quản lý và theo dõi đồng tiền đó.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

ĐB Hoàng Văn Cường đánh giá cao nguyên tắc quy định là vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp là vốn pháp nhân của doanh nghiệp. Với nguyên tắc này, việc quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp thì kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là quyền của doanh nghiệp chứ không phải quản lý như vốn của ngân sách. Do vậy, cần phải bổ sung quy định là nhà nước sau khi đã đầu tư vốn vào doanh nghiệp sẽ trở thành cổ đông sở hữu phần cổ phần theo tỷ lệ vốn đầu tư.

Với tư cách là cổ đông, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử người hoặc thuê người đại diện để thực hiện quyền cổ đông của mình trong doanh nghiệp. Người đại diện sẽ phải chịu trách nhiệm về quản lý tiền vốn của Nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp đó, đồng thời phải thực hiện các mục tiêu mà Nhà nước mong muốn doanh nghiệp này phải thực hiện. Để thực hiện được các nhiệm vụ được giao thì người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp phải được toàn quyền trong việc tổ chức bộ máy, bố trí những người phù hợp với các vị trí quản trị doanh nghiệp, khi đó doanh nghiệp hoạt động mới có hiệu quả.

Giải trình với các ĐB, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, luật này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp, việc này cũng theo thông lệ quốc tế; ngoài ra cũng chấm dứt việc can thiệp vào doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính hay lồng ghép quản lý nhà nước vào hoạt động đầu tư, kinh doanh, bảo toàn vốn của doanh nghiệp.

Đó là vấn đề tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đầu tư vốn và hoạt động quản trị, điều hành của các doanh nghiệp để đảm bảo các doanh nghiệp phải hoạt động theo đúng nguyên tắc thị trường. Đây là những nội dung căn bản, xuyên suốt và đổi mới toàn diện về phương thức xây dựng luật lần này.

Đối với vấn đề người đại diện vốn, Bộ trưởng cho rằng người đại diện vốn tại doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc bảo toàn, phát triển vốn tại doanh nghiệp. Người đại diện vốn, nhất là những doanh nghiệp từ 50% vốn trở lên, sẽ là lãnh đạo của doanh nghiệp này, cho nên họ sẽ quyết định việc doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không. Vì vậy, chúng ta phải có cơ chế quản lý, đánh giá gắn với chế độ đãi ngộ; phải có công cụ cho họ. Chúng ta đưa ra cơ chế đãi ngộ, đưa ra cơ chế đánh giá khắt khe, người ta rất vất vả nhưng tiền lương, tiền thưởng cứ phải theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài. Người tài cũng không bao giờ làm hết trách nhiệm của mình. Đây là một lý do. Một doanh nghiệp cùng ngành nghề ở ngoài được trả lương gấp 50-100 lần, ít nhất cũng 5-10 lần, còn người đại diện vốn nhà nước thì lương lại rất thấp, điều đó là không được.

Cũng theo Bộ trưởng, người đại diện vốn nhà nước phải có đầy đủ thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo như doanh nghiệp tư nhân họ đang áp dụng. Bởi lương thấp, thẩm quyền không đủ, rất dễ dẫn đến việc họ cài cắm lợi ích khi đàm phán. “Đã chấp nhận như doanh nghiệp tư nhân chúng ta cũng phải có cơ chế như thế. Từ trước đến nay, khó khăn nhất chính là vấn đề liên quan đến chế độ lương, thưởng của đại diện vốn tại các doanh nghiệp nhà nước”, Bộ trưởng nêu.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo