Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Tết Quý Mão - Nhớ lời ru

Ảnh minh họa (Ảnh : Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Năm Nhâm Dần qua đi, “ông Hổ” về rừng để “bà Mèo” xuất hiện. Ngẫu nhiên ở họ “móng vuốt “ (Mèo, Hổ, Báo) theo cách tính lịch Can - Chi của xứ nông nghiệp châu Á như Việt Nam, hai loài Dần - Mão tiếp liền nhau thuận miệng trong cách tính từ Tý, Sửu, Dần, Mão…

Không nguy hiểm như hổ, mèo là con vật gắn với đời sống sinh hoạt gia đình, thường được trẻ em quý mến bồng bế vuốt ve. Nhưng trong các quan niệm ở các lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, thờ cúng, thì mèo được nhìn nhận không thuần nhất.

Tại Nhật Bản, mèo là con vật mang tính dữ. Nó có thể giết phụ nữ rồi nhập vào thân xác họ. Ngược lại ở Ấn Độ thì mèo lại biểu thị cho sự yên lành, trùng với quan niệm ở Trung Hoa - người ta quý mến và bắt chước điệu bộ của nó trong các điệu múa nông nghiệp.

Ở Campuchia, mèo được cho vào lồng rước, vừa đi vừa ca hát để cầu mưa, cho đất đai phì nhiêu. Ở Ai Cập cổ đại, mèo được xem như vị thánh thần ban phúc và bảo hộ cho con người. Nhiều tượng đồng được tạo hình ảnh mèo cầm dao cắt đầu con rắn độc.

Không ai rõ con mèo xuất hiện khi nào và nó được con người dung nạp thành vật nuôi trong nhà từ bao lâu. Chỉ biết rằng đó là con vật có hình dáng uyển chuyển đi đứng leo trèo nhanh nhẹn, vồ mồi chính xác, móng vuốt sắc nhọn, đủ màu lông và đôi mắt long lanh ấn tượng. Tiếng kêu của mèo khi đuổi nhau tìm bạn tình trong đêm khuya thật khó quên.

Ở Việt Nam, dưới góc độ hội họa, mèo được vẽ tùy theo mục đích của người họa sỹ dân gian hoặc chuyên nghiệp: để chơi, để thờ hay để minh họa cho một câu chuyện…

Về mặt ngôn ngữ, từ mèo xuất hiện đa dạng để miêu tả hành động, tính cách, có khi ám chỉ các hiện tượng đời sống. Thí dụ, tả thực có: Đá tai mèo, Mèo mướp, Tam thể, Xanh mắt mèo, Mèo vật đống rơm… Ám chỉ lối sống cơ hội: Chó treo mèo đậy, Mèo mù vớ cá rán, Mèo vờn chuột, Mỡ để miệng mèo, Mèo lại hoàn mèo.

Tả sự tranh giành, chuyển hóa, hiệu quả, bản chất: Mèo già hóa cáo, Mèo mả gà đồng, Mèo khen mèo dài đuôi, Ăn như rồng cuốn nói như rồng leo làm như mèo mửa, Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, Mổ mèo lấy mỡ ăn chó cả lông, Mèo nhỏ bắt chuột con, Mổ mèo lấy cá...

Tết về, người Việt hay treo các bức tranh dân gian, có “Đám cưới Chuột” nổi tiếng đông đảo nhà Chuột được nhân cách hóa: Đi hai chân, người nào việc nấy; Chú rể cưỡi ngựa, cô dâu ngồi trong kiệu, lũ lượt một đoàn vác trống thổi kèn, cầm cá hướng về… cụ mèo đang ngồi oai nghiêm đợi dâng lễ vật. Bức tranh vui đầy ẩn ý chuyện cống nạp hiển nhiên giữa thanh thiên bạch nhật.

Nhớ lại tuổi ấu thơ nhiều người đã sống êm dịu trong lời ru:

“Con mèo mà trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ đường xa

Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.”

Đó là vở kịch vui, một cuộc đối thoại của câu chuyện không tưởng: Mèo giả nhân từ hỏi thăm chuột. Còn chuột biết tỏng nó đến để xơi mình, nên đáp lại chơi trội là mình đi mua đồ để giỗ cha chú mèo,… Một chút hình ảnh trong xã hội đối kháng, nhiều mong ước. Tùy cách hiểu…

Nhắc chuyện Mèo, vui một tý để đón xuân Quý Mão đang về…

Trần Đình Việt


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo