Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân Chiến dịch làm sách Điện Biên Phủ

Năm 2004, đất nước ta long trọng kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng có thể nói năm 2003 đã là "năm Điện Biên Phủ" của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Ngay từ đầu năm 2003, nhà xuất bản đã có kế hoạch tổ chức nhiều bộ sách lớn với các thể loại khác nhau về chiến thắng Điện Biên Phủ (hơn 40 đầu sách).

Về mảng sách lịch sử, hồi ký gồm có các tác phẩm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ dày 564 trong khổ lớn (19 x 27 cm) được đóng bìa cứng và in đẹp trên giấy tốt. Nội dung của cuốn sách bao gồm một số bài viết, tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ qua những trang hồi ức của đại tướng và một số tư liệu về chiến dịch lịch sử này.

Cùng với cuốn sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Quân đội Nhân dân còn xuất bản các cuốn sách của Đại tướng Hoàng Văn Thái, của Đại tướng Lê Trọng Tấn...

Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về chiến dịch lịch sử này, cuốn Điện Biên Phủ - Mốc vàng thời đại dày 500 trang khổ lớn sẽ cung cấp cho bạn đọc một cách có hệ thống về đất và người Điện Biên.

Cùng thể loại hồi ký - lịch sử còn có các tác phẩm: Điện Biên Phủ qua những trang hồi ức (3 tập - Nhiều tác giả), Đại đoàn 308 với chiến dịch Điện Biên Phủ (Phạm Chí Nhân), Điện Biên Phủ - sau 50 năm nhìn lại (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Về mảng sách tư liệu - tham khảo - tổng kết, NXB đã cho ra mắt bạn đọc các tác phẩm: Điện Biên Phủ - nhân chứng sự kiện (Vũ Hải Đăng), Tướng Giáp với hai cuộc chiến tranh Đông Dương (Mắcđôna), Kỷ vật Biện Biên (Viện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam), Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ (Lưu Trọng Tân), Cuộc đấu trí cuối cùng giữa hai bộ thống soái (Trần Trọng Trung), Câu lạc bộ chiến sĩ Điện Biên (Nguyễn Huy), Tiếng sấm Điện Biên Phủ (Đỗ Thiện - Đinh Kim Khánh), Điện Biên Phủ - những phóng sự tại mặt trận (Báo Quân đội Nhân dân), Làm báo ở Điện Biên Phủ (Trần Kư), Anh hùng Điện Biên Phủ (Lê Hải Triều), Tướng Hăngri Nava với chiến dịch Điện Biên Phủ (Lê Kim), Điện Biên Phủ - Sự kiện tư liệu (Nhiều tác giả), Bác Hồ với Điện Biên Phủ (Nhiều tác giả), Điện Biên Phủ - Những trận đánh đi vào lịch sử (Trịnh Trọng Nghi), Chiến tranh Đông Dương qua tiếng nói của binh lính Pháp (Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1), Điện Biên Phủ - Đỉnh cao nghệ thuật chiến dịch Việt Nam và Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam), Pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam với chiến dịch Điện Biên Phủ (Bộ Tư lệnh Pháo binh), Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ (Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng)... Trong các đầu sách trên, đặc biệt là cuốn Một số văn kiện chỉ đạo chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ là bộ văn kiện lần đầu tiên được công bố của Tổng quân ủy và Bộ Quốc phòng trong giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Chiến tranh Đông Dương qua tiếng nói của binh lính Pháp là cuốn sách xuất bản bằng hai thứ tiếng Việt, Pháp, gồm nhiều bài viết, ý kiến của nhiều tù binh Pháp, những người đã từng nếm trải thất bại cay đắng tại Điện Biên Phủ. Họ đều thừa nhận chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng của chính nghĩa.

Về mảng sách văn học có các tác phẩm: Noong Nhai - Hồng Cúm (tiểu thuyết của Nguyễn Chu Phác) viết về những con người của một đại đội thuộc Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 làm nhiệm vụ tác chiến hơn hai tháng trời ở Noong Nhai, Hồng Cúm; Ụ thằng người (truyện ký của Nguyễn Tân), Người chiến sĩ Điện Biên năm ấy (tiểu thuyết của Mai Vui). Bên cạnh đó còn có các tác phẩm văn học khác: Điện Biên Phủ trong tôi (Nhiều tác giả), Đường hầm A1 (Nhiều tác giả), Đồng đội (Chu Phác), Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (Nhiều tác giả), Lớn lên với Điện Biên (Văn Phan)... Ngoài ra có bốn cuốn tiểu thuyết có giá trị viết về Điện Biên Phủ cũng được tái bản trong dịp này: Cao điểm cuối cùng (Hữu Mai), Cánh đồng phía Tây (Hồ Phương), Nếm trải Điện Biên (Cao Tiến Lê) và Mùa hoa ban đẹp mãi (Nguyễn Thiện Thuật).

Những cơ quan đã phối thuộc tốt với nhà xuất bản trong "chiến dịch" này là: Phát hành sách Quân đội, Công ty Văn hoá Phương Nam, Tổng Công ty Phát hành sách Việt Nam, Công ty Minh Thành, Nhà sách Thành Nghĩa và rất nhiều nhà sách khác.

Đặng Việt Thủy

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo