(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 18/9, Viện Kỹ thuật Biển tổ chức Họp mặt kết hợp Hội thảo khoa học chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập Viện kỹ thuật Biển (ảnh). Đến dự có đồng chí Nguyễn Hồng Quang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối cơ sở S Bộ NN&PTNT; Vũ Viết Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy Khối, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý, đầu tư và Xây dựng Công trình - Bộ NN&PTNT; Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN&PTNT, Trưởng đại diện phía Nam…
Tại buổi Họp mặt, đồng chí Phạm Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy, Viện Trưởng Viện Kỹ thuật Biển đã ôn lại quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp của Viện trong 15 năm qua. Viện Kỹ thuật Biển được thành lập ngày 18/9/2009, là thành viên của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam. Viện Kỹ thuật Biển có nhiều đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh phía Nam. Các nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu khai thác tài nguyên biển; nghiên cứu môi trường biển; nghiên cứu hải dương học; nghiên cứu công trình biển; nghiên cứu dự báo thủy triều, sóng – gió – bão, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển và phát triển ngư trường gần bờ cũng như xa bờ,…
Ngoài ra, Viện Kỹ thuật Biển cũng đã thực hiện nhiều đề tài, dự án trong nước và các dự án hợp tác với nước ngoài cùng với đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm, chuyên môn sâu trong các lĩnh vực nghiên cứu về động lực học, hình thái sông, cửa sông, ven biển, hải đảo, nghiên cứu, tư vấn về các giải pháp bảo vệ bờ, đánh giá tác động môi trường …
Trong 15 năm qua, các đề tài nghiên cứu do Viện thực hiện đều được nghiệm thu từ loại khá trở lên, đã được áp dụng vào sản xuất, đóng góp có ý nghĩa vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh phía Nam. Viện đã có nhiều đóng góp vào những thành tựu chung của khoa học công nghệ thủy lợi 20 năm đổi mới. Với số lượng hàng trăm bài báo đã được đăng trên các tạp chí, đặc san uy tín trong, ngoài nước.
Viện cũng ứng dụng các phần mềm trong thiết kế công trình; giải pháp thiết kế và thi công tạo mái bằng bao tải cát, vải địa kỹ thuật, thảm đá, mảng mềm TAC 178, cừ bê tông dự ứng lực xây dựng các công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL và các tỉnh phía Nam; ứng dụng các phần mềm trong nghiên cứu dự báo sạt lở, bồi tụ… Kết quả dự báo đã kịp thời giúp cho các nhà quản lý và các địa phương có kế hoạch di dời, lập hành lang ổn định, hạn chế thiệt hại do sạt lở gây ra.
Ngoài ra, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 2 Bằng độc quyền sáng chế cho kết cấu mảng mềm tự chèn, đã phát huy tác dụng trong bảo vệ bờ sông và bờ biển và giành được giải nhất Hội thi sáng tạo KHCN TPHCM…
Tại buổi Họp mặt, các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành cũng đã đánh giá cao những đóng góp của Viện trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thử nghiệm kỹ thuật mới, đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực phục vụ cho việc bảo vệ môi trường đất, nước vùng ven biển, cửa sông và hải đảo trong phạm vi cả nước.