1. Võ Văn Kiệt là người đề nghị và tổ chức thực hiện việc sáp nhập Sài Gòn - Chợ Lớn với Gia Định, tạo thế chiến lược của chiến tranh nhân dân trên địa bàn thành phố, một vấn đề chiến lược của thành phố cho đến hôm nay.
Cuối năm 1959, Võ Văn Kiệt là Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Liên tỉnh miền Tây được Xứ ủy điều động về làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Lúc đó, hai khó khăn lớn đang đặt ra: Do sự khủng bố hết sức dã man tàn ác của địch, cùng với những khuyết điểm của chúng ta nên vào giữa năm 1959, lực lượng cách mạng ở vào tình thế hết sức nguy hiểm. Cơ sở đảng tan vỡ 7 đến 8 phần 10, quần chúng căm hờn nhưng bị kìm kẹp gay gắt, cơ hồ như phải quỵ xuống không vùng lên nổi[1]; Lực lượng lãnh đạo và phong trào nội thành không có chỗ đứng chân, không có căn cứ.
Nhận nhiệm vụ mới hết sức nặng nề, lại chưa quen địa bàn thành phố, Võ Văn Kiệt đề nghị và được Nguyễn Văn Linh cử giao liên bí mật cho ông đi thị sát một vòng nội ngoại thành bằng xe gắn máy[2]. Sau khi nắm tình hình, Võ Văn Kiệt đã cùng với các đồng chí Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình), Võ Văn Tuấn (Hai Trúc) nhanh chóng nắm số đảng viên còn lại của Sài Gòn - Chợ Lớn, tiến hành ráo riết công tác tổ chức và giáo dục chính trị tư tưởng, lựa chọn một số đảng viên nòng cốt tích cực đưa ra vùng Bời Lời (xã Đôn Thuận, Tây Ninh) để dự một lớp huấn luyện lấy tên là lớp “Rừng xanh” nhằm đào tạo gấp một số cán bộ cốt cán đưa về gây dựng lại cơ sở trong nội thành. Mặt khác, ông chỉ đạo tích cực xây dựng cơ sở mới, những cơ sở này không được móc nối với cơ sở cũ, đề phòng địch gài bẫy.
Cũng từ chuyến thị sát, thực tiễn chỉ đạo và nghe báo cáo, ông nhận thấy việc xây dựng cơ sở trong nội thành, nhất là cơ sở cho lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang hết sức khó khăn, nhỏ lẻ và đơn độc. Nếu muốn phát triển đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang cần phải có căn cứ vững chắc. Đó là nơi không những làm chỗ đứng chân cho lãnh đạo và lực lượng cốt cán, mà còn là nơi từ đó chuẩn bị lực lượng lâu dài, tạo nên sự liên kết giữa nội thành và vùng ngoại thành rộng lớn. Nếu có sự liên kết đó mới có thể xây dựng, tích trữ lực lượng, phương tiện vũ khí tổ chức những trận tiến công quân sự vào nội thành có hiệu quả. Xuất phát từ thực tế đó, ông đề nghị Xứ ủy sáp nhập hai đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định với mục tiêu là lấy Gia Định làm bàn đạp để xâm nhập vào nội thành.
Theo đề nghị của ông, đầu năm 1960, Xứ ủy chấp thuận giải thể Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định, hợp nhất thành lập Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do Võ Văn Kiệt làm Bí thư. Đây là một quyết định hết sức quan trọng, tạo nên sự gắn kết giữa Sài Gòn với Gia Định thành một vùng chiến lược hoàn chỉnh, không những tạo lợi thế để xây dựng căn cứ ở ngoại thành mà còn tạo nên địa bàn tập kết và đứng chân của lãnh đạo Xứ ủy, Khu ủy và các lực lượng trong suốt cuộc chống Mỹ, cứu nước. Cho đến nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thành phố, nhìn lại càng thấy đó là một quyết định có ý nghĩa chiến lược.
Sau khi hợp nhất, theo đề nghị của Võ Văn Kiệt, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã triệu tập Hội nghị mở rộng tại xã An Thành, Bến Cát, Bình Dương. Hội nghị đã bầu Võ Văn Kiệt làm Bí thư Khu ủy. “Hội nghị đề ra nghị quyết về nhiệm vụ công tác năm 1960 là: ra sức khôi phục cơ sở, đào tạo cốt cán, phát triển lực lượng, cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang; đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với hoạt động vũ trang, diệt ác phá kìm, phát động khởi nghĩa từng phần ở nông thôn, giải tán tề ngụy, xây dựng căn cứ có chính quyền tự quản của quần chúng do Đảng lãnh đạo”[3].
Đối với nội thành, Khu ủy chủ trương rút kinh nghiệm về công tác tổ chức và công tác bí mật; chấn chỉnh phương thức hoạt động bí mật, ngăn cách giữa bí mật và công khai; đẩy mạnh đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ kết hợp với diệt ác, trừ gian phù hợp với tình thế và khả năng, hết sức tránh bộc lộ lực lượng cốt cán; cán bộ, đảng viên được bố trí từng cánh đi sâu vận động từng giới quần chúng như công nhân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên, trí thức, người Hoa…
Những chủ trương đúng đắn đó của Võ Văn Kiệt và Khu ủy đã tạo điều kiện cho việc khôi phục và phát triển lực lượng, đưa phong trào cách mạng ở Sài Gòn - Gia Định tiến lên. Đó cũng là một chủ trương thể hiện bước đầu tinh thần Nghị quyết Trung ương 15 ở địa bàn Thành phố.
2. Trong phong trào Đồng khởi, Võ Văn Kiệt chỉ đạo đồng khởi ở Sài Gòn - Gia Định khác với những nơi khác, kết hợp vũ trang nổi dậy ở ven đô với đấu tranh chính trị, binh vận phù hợp với điều kiện của thành phố.
Đầu năm 1960, sau mở đầu của đồng khởi ở Bến Tre và nhất là sau trận tiến công Tua Hai ở Tây Ninh làm rúng động bọn cầm đầu Mỹ - ngụy ở Sài Gòn, khí thế đồng khởi bùng lên ở khắp Nam Bộ và ở Sài Gòn - Gia Định. Khi nghiên cứu tình hình thực tiễn ở Sài Gòn - Gia Định, Võ Văn Kiệt nhận thấy rằng cần phát động phong trào cách mạng với khí thế đồng khởi, nhưng phải phù hợp với địa bàn thành phố. Ông đề nghị và được Khu ủy nhất trí cao là phát động đồng khởi ở nông thôn vùng ven, kết hợp với đấu tranh chính trị rộng rãi trong nội thành tập trung tuyên truyền cho thắng lợi của đồng khởi, cổ vũ khí thế của đồng bào; đấu tranh đòi dân sinh dân chủ kết hợp với vạch trần bộ mặt phản động của chế độ Mỹ - Diệm.
Với chủ trương đúng đắn đó, trong phong trào đồng khởi, hàng loạt các cuộc nổi dậy giành quyền làm chủ đã diễn ra ở nông thôn Gia Định, diệt ác, phá kềm, giải tán tề ngụy, tiêu biểu là Củ Chi, Thủ Đức, Bình Tân, Cần Giờ, Nhà Bè. Ở những nơi này, quần chúng nổi dậy đồng loạt, kết hợp với lực lượng vũ trang là du kích, tự vệ không những đã giành quyền làm chủ ở nhiều cơ sở mà còn trấn áp nhiều tên cầm đầu phản động, bảo vệ cán bộ, bảo vệ quần chúng và phong trào. “Qua hai đợt đồng khởi, đến giữa năm 1961, vùng nông thôn ngoại thành Sài Gòn - Gia Định đã có 30 xã được giải phóng nối liền với vùng giải phóng rộng lớn của Tây Ninh, Bình Dương, tạo ra vùng căn cứ tương đối an toàn cho Khu uỷ Sài Gòn - Gia Định và Xứ ủy Nam Bộ… Phong trào đồng khởi ở nông thôn Gia Định đã tạo ra chỗ đứng chân cho lực lượng cách mạng thành phố, làm cho Đô thành Sài Gòn thường xuyên không ổn định và hỗ trợ cho phong trào cách mạng ở nội thành”[4].
Trong khi đó, ở nội thành cũng đã diễn ra hàng loạt cuộc đấu tranh của đồng bào các giới, bao gồm cả công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức, ký giả, tiểu thương, tiểu chủ, văn nghệ sĩ. “Tuy chưa có cuộc đấu tranh nào có quy mô lớn, nhưng phong trào đấu tranh của các giới đã diễn ra nối tiếp, tập hợp lực lượng ngày càng rộng thêm, có hành động thống nhất… Thông qua báo chí, chiến dịch tiến công dư luận từ năm 1960 ngày càng lan rộng chẳng những ở Sài Gòn và vùng phụ cận mà còn ở khắp các đô thị miền Nam. Các tầng lớp nhân dân công khai bàn tán về những cuộc nổi dậy ở nông thôn, đấu tranh ở thành thị”[5].
Gắn liền với phong trào đấu tranh chính trị là các hoạt động tuyên truyền vũ trang diệt ác trừ gian diễn ra ngay trong nội thành. Cùng với việc nổi dậy ở ven đô, tình hình đó làm đau đầu giới chức Mỹ và chính quyền Diệm. Đại sứ Mỹ phải thừa nhận: “Tình hình xấu đi, đối phương mạnh ở ngay ven đô. Viên chức ở xã, ấp bị bắt giết hàng ngày, từ 25 đến 89 vụ và đang còn tăng thêm”[6].
Thực tiễn của Thành phố trong phong trào Đồng khởi đã cho thấy sự gắn kết khá chặt chẽ giữa chính trị, quân sự và binh vận với những nét đặc thù của một thành phố, trung tâm đầu não của chính quyền địch. Hiệu quả của ba mũi giáp công ở đây còn được gia tăng bởi vị thế của Thành phố, không những tác động trực tiếp đến bộ máy đầu não của địch mà còn như là nơi khởi xướng cho phong trào đấu tranh ở các đô thị toàn miền Nam.
3. Xây dựng, củng cố, phát huy vai trò căn cứ vùng ven, tạo thế đứng chân cho lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng nội thành.
Nhận thức rõ vai trò to lớn của căn cứ địa, căn cứ lõm, Võ Văn Kiệt không những chỉ đạo xây dựng các căn cứ lõm nhỏ lẻ ngay trong lòng thành phố, che giấu cán bộ, làm nơi cất giấu vũ khí cho các đội vũ trang tuyên truyền, ông còn đặc biệt chú ý chỉ đạo xây dựng căn cứ rộng lớn ở vùng ven Sài Gòn, ở vùng nông thôn Gia Định. Ngay từ lúc chưa diễn ra đồng khởi, một số căn cứ bí mật ở Củ Chi, Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Tân… đã được từng bước xây dựng. Dựa vào lòng dân ủng hộ, nuôi giấu cán bộ, tuyên truyền chủ trương của Đảng, các căn cứ này đã góp phần chuẩn bị lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang cho đồng khởi. Trong quá trình đồng khởi giành quyền làm chủ ở vùng nông thôn, một mặt ông chỉ đạo trấn áp bọn cầm đầu phản cách mạng, trừ gian, mặt khác không bộc lộ hết lực lượng, nhất là cán bộ cốt cán; vừa tiến công địch vừa củng cố cơ sở bí mật, củng cố phát triển hệ thống địa đạo ở Củ Chi sẵn sàng chống địch khủng bố, đàn áp khốc liệt. Các cơ sở vùng ven khác cũng chú ý nơi che giấu cán bộ, vũ khí. Các căn cứ ở vùng ven Thành phố đã tạo nên một vành đai đỏ, một địa bàn mà lòng dân hướng về cách mạng, kiên quyết đấu tranh và sẵn sàng chiến đấu hy sinh, không những là nơi đứng chân của lãnh đạo Xứ ủy, Thành ủy mà còn là nơi hình thành và tổ chức những địa điểm cất giấu vũ khí cho cuộc chiến đấu chống địch càn quét vào căn cứ và lực lượng vũ trang tiến công địch trong nội thành. Đó cũng là nơi Võ Văn Kiệt cùng Thành ủy đã tổ chức các lớp học tập, bồi dưỡng kiến thức chính trị, quân sự cho cán bộ cốt cán đưa từ nội thành ra. Chỉ riêng lực lượng thanh niên, “Khu ủy thấy cần phải mở lớp huấn luyện để đào tạo lực lượng nòng cốt trong thanh niên. Sau một lớp mở ở căn cứ rừng già cho 15 đoàn viên thanh niên nòng cốt, Ban Thanh vận được thành lập… Lớp huấn luyện thứ hai có 60 người gồm đảng viên và đoàn viên”[7].
Vành đai đỏ ở ngay sát nách trung tâm đầu não của chính quyền Mỹ và tay sai là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mang đậm dấu ấn Võ Văn Kiệt. Vành đai đỏ mà tiêu biểu là đất thép Củ Chi không chỉ nổi tiếng về một địa bàn trong “tam giác sắt” hứng chịu mưa bom, bão đạn của địch, về hệ thống địa đạo rất hiệu quả như thiên la địa võng, mà hơn hết nổi tiếng về những tấm lòng trung kiên với cách mạng, ý chí thép của đồng bào và chiến sĩ nơi đây trong xây dựng căn cứ, che giấu cán bộ và lực lượng vũ trang, trực tiếp đương đầu và chiến đấu thắng lợi trước hàng hoạt cuộc càn quét quy mô lớn hết sức khốc liệt của quân Mỹ và tay sai.
Đồng chí Võ Văn Kiệt thăm hỏi các đồng chí cán bộ làm công tác phục vụ ngày bầu cử các hòm phiếu thuộc quận Hóc Môn (25/4/1976). (Ảnh tư liệu) 4. Tổ chức xây dựng và phát triển cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, kết hợp ba mũi giáp công mạnh mẽ ngay sau đồng khởi.
Ngay sau đồng khởi, Bí thư Võ Văn Kiệt chỉ đạo tiếp tục củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường xây dựng lực lượng chính trị. “Ở nội thành, Ban Cán sự Đảng từng liên quận vẫn gọi là “cánh” và được điều chỉnh như sau: Cánh 154 gồm Quận 2 và Quận 4; Cánh 156 gồm Quận 7 và Quận 8; Cánh 157 gồm quận 6 và các xã Bình Trị Đông, An Lạc, Phú Định, Phú Thọ Hòa; Cánh 158 gồm Quận 3 và Quận 5; Cánh 159 gồm Quận 1 và các xã Thạnh Mỹ Tây, Bình Hòa, Phú Nhuận, Tân Hòa”[8].
Ở ngoại thành, các huyện vẫn được ghép lại như cũ, riêng Củ Chi do yêu cầu xây dựng căn cứ cho Khu ủy và Quân khu nên để riêng, trực thuộc Khu ủy. “Các cánh đoàn thể đều được củng cố và chuyển thành các ban: Công vận, Thanh vận, Phụ vận, Trí vận, Học sinh, sinh viên… Các ban chuyên môn như Tổ chức, Tuyên huấn, Binh vận, Quân sự, An ninh… đều được tăng cường. Mỗi ban đều có Ban cán sự Đảng phụ trách”[9].
Về công tác ở nội thành, Khu ủy tập trung vào xây dựng và phát triển thực lực cách mạng, đặc biệt chú trọng vấn đề bảo tồn, xúc tiến lực lượng về lâu dài, triệt để áp dụng nguyên tắc ngăn cách giữa bí mật và công khai, hết sức tận dụng khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp.
Về lực lượng vũ trang, Võ Văn Kiệt là người rất có kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang trước khi về làm Bí thư Khu ủy. Qua thực tiễn ở đồng bằng Nam Bộ và ở Sài Gòn - Gia Định, ông cho rằng cách tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang như các tỉnh đồng bằng Nam Bộ có vùng giải phóng rộng lớn, chỉ có thể thích hợp với địa bàn Củ Chi, còn các huyện khác và nhất là ở nội thành phải có hình thức tổ chức lực lượng vũ trang thích hợp như tổ chức tự vệ mật, du kích mật hoạt động theo phương châm đánh đau, đánh hiểm nhưng không lộ mặt, giấu được mình để tồn tại được ở các vùng địch còn chiếm đóng hoặc đang tranh chấp. Sự chỉ đạo sát đúng này của ông đã tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang ở Thành phố ngày càng phát triển và hiệu quả. Tháng 10 năm 1960, Ban Quân sự Khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập do Nguyễn Hồng Đào - Phó Bí thư Khu ủy phụ trách. Lực lượng tự vệ, du kích phát triển mạnh sau đồng khởi. Sau khi thành lập Ban Quân sự Khu, Võ Văn Kiệt thống nhất với Khu ủy “cho gọi một số cán bộ quân sự cũ như Đỗ Tấn Phong, Ngô Tấn Quốc… vào căn cứ của khu để nghiên cứu và thử nghiệm cách đánh và hoạt động vũ trang ở nội thành với mức độ cao hơn”[10]. Đó là những nhân tố đầu tiên của bộ phận chuyên trách có nhiệm vụ nghiên cứu về tổ chức và hoạt động vũ trang nội thành mang bí số C10. “Bộ phận này chuyên móc nối những thanh niên ưu tú đưa ra vùng căn cứ học tập, sau đó đưa trở lại nội thành hoạt động. Bước đầu từ 3 người đến 3 tổ, vừa hoạt động vừa phát triển thành lực lượng biệt động thành phố - một lực lượng tinh nhuệ đã đánh những trận gây khiếp đảm và tổn thất lớn cho quân thù”[11].
Trong sự hình thành và phát triển của lực lượng biệt động thành, Võ Văn Kiệt là người góp phần kế thừa kinh nghiệm của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn trong chống Pháp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vượt bậc trong điều kiện mới. Ông không những là người tổ chức, xây dựng lực lượng mà còn là người trực tiếp tham gia xây dựng các kế hoạch hoạt động của lực lượng này, trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy một lực lượng chủ yếu của biệt động thành trong Mậu Thân 1968, góp phần tạo nên một đòn đánh hiểm hóc vào chính cơ quan đầu não của địch. Cũng cần nói thêm rằng, trong Tổng tiến công Mậu Thân 1968, theo kế hoạch đã xây dựng chưa xác định Tòa Đại sứ Mỹ là mục tiêu tấn công. Trước ngày “N” quy định đúng 5 ngày, khi giao nhiệm vụ cho các đơn vị đánh chiếm các mục tiêu nội thành, Võ Văn Kiệt phát hiện ra điều này, đặt vấn đề phải bổ sung Tòa Đại sứ Mỹ vào mục tiêu, và xác định đó phải là mục tiêu trọng yếu. Ông động viên và giao nhiệm vụ một cách kiên quyết: Đánh Sài Gòn không thể bỏ sót một mục tiêu đầu não quan trọng như Đại sứ quán Mỹ! Các đồng chí bằng mọi cách tổ chức đánh cho bằng được mục tiêu trọng yếu này![12] Thực tiễn cuộc tiến công Mậu Thân cho thấy, việc đánh thẳng vào Tòa Đại sứ Mỹ là một đòn đánh hiểm hóc, gây nên sự chấn động dư luận trong nước, chính trường quốc tế và chính trong lòng nước Mỹ.
*
* *
Thời kỳ Võ Văn Kiệt làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định cũng là thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta chuyển từ thế giữ gìn lực lượng thành thế chủ động tiến công sau Đồng khởi, chủ động tiến công và đánh thắng hai chiến lược “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của ông và Khu ủy, Sài Gòn - Gia Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một chiến trường trọng điểm, thường xuyên vây hãm, tiến công mạnh mẽ vào ngay trung tâm đầu não chính trị, quân sự của địch.
Đó cũng chính là quá trình chuẩn bị thế trận và lực lượng chính trị, quân sự tại chỗ của Thành phố, kiên cường vượt qua thách thức, chủ động nổi dậy phối hợp với các đoàn quân chủ lực trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, hoàn thành sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Trong chiến công vẻ vang đó, ba mũi giáp công chính trị, quân sự, binh vận đã kết hợp hết sức sáng tạo, hiệu quả, như là điển hình của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Lịch sử Thành phố mãi ghi nhận dấu ấn Võ Văn Kiệt - người đã góp phần kiến tạo nên nét đặc sắc của sự kết hợp ba mũi giáp công trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định.
Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
____________________
[1] Xem: Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Cuộc chiên tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Nxb QĐND, H., 1991, tr. 42, 43.
[2] Xem: Võ Văn Kiệt- Tiểu sử, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 141.
[3] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 609.
[4] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 616.
[5] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 617- 618.
[6] Xem: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 620.
[7] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 617.
[8] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 630.
[9] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 632.
[10] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 619.
[11] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh 1930 - 1975, Nxb CTQG, H., 2015, tr. 619.
[12] Xem: Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam, NxbCTQG, H., 2012, tr. 356.