Thứ Tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024

Đề xuất hàng hóa của cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 200 triệu đồng trở xuống không chịu thuế giá trị gia tăng

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về các trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, quy định này của luật hiện hành là không đúng nguyên tắc của thuế GTGT (đó là chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế GTGT). Tuy nhiên, chính sách này đã phát huy hiệu quả phòng tránh gian lận, hoàn thuế GTGT trong xuất khẩu sản phẩm nông sản chưa chế biến, đặc biệt trong giai đoạn cách đây hơn 10 năm, khi các doanh nghiệp bắt đầu chuyển sang áp dụng chế độ hóa đơn giấy tự tạo. Hiện nay, chế độ hóa đơn giấy tự tạo đã được xóa bỏ, các doanh nghiệp đã chuyển sang áp dụng hóa đơn điện tử, có kết nối mạng trực tiếp. Cơ quan thuế có thể liên tục cập nhật các hóa đơn được phát hành, kịp thời theo dõi tình hình thu, nộp ngân sách, nâng cao chất lượng kiểm soát và khắc phục tình trạng gian lận hóa đơn.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về điều kiện để được hoàn thuế “trường hợp hàng hoá chưa được người bán kê khai nộp thuế GTGT thì cơ sở kinh doanh không được hoàn”, để bảo đảm không xảy ra gian lận hoàn thuế GTGT khi thuế đầu vào chưa được nộp vào ngân sách nhà nước. Trong điều kiện quản lý mới này, chính sách cho phép các doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là không còn cần thiết và phù hợp. Bên cạnh đó, nếu bỏ quy định này cũng sẽ tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất nông sản lớn như các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng thêm nguồn thu ngân sách. Vì vậy, dự thảo luật bỏ quy định này.

Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) Đại biểu Lê Thị Song An (Long An)

Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết. Vì vậy, dự thảo Luật quy định: Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ hai trăm triệu đồng trở xuống. Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Về thuế suất 0%, theo thông lệ chung, thuế GTGT được đánh theo nguyên tắc điểm đến, tức là hành vi tiêu dùng ở đâu thì chịu thuế ở đó. Như vậy, thuế suất 0% chỉ được áp dụng đối với các trường hợp hàng hoá thực tế được xuất khẩu, không tiêu dùng tại Việt Nam; ngược lại, bất kể hàng hóa, dịch vụ nào được tiêu dùng tại Việt Nam đều phải chịu thuế GTGT cho dù người mua hàng hóa, dịch vụ đó ở trong hay ngoài Việt Nam. Nguyên tắc này cần được tuân thủ để bảo đảm tính khách quan, công bằng và tránh làm thất thu ngân sách. Vì vậy, dự thảo Luật quy định rõ về các trường hợp cung cấp hàng hoá cho các khách hàng nước ngoài được áp dụng thuế suất 0% nhất thiết phải được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, không bao gồm trường hợp hàng hóa được giao dịch giữa các đối tác trong nước theo chỉ định của thương nhân nước ngoài và thực chất được tiêu dùng trong nước, để tránh lợi dụng, gây thất thu ngân sách.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu (ĐB) bày tỏ thống nhất cao với các nội dung dự thảo luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Về đối tượng không chịu thuế, ĐB Lê Thị Song An (Long An) thống nhất với việc điều chỉnh nâng tổng mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh vào đối tượng không chịu thuế GTGT, cụ thể là: hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống, bởi mức doanh thu không chịu thuế GTGT được quy định tại luật hiện hành là 100 triệu đồng/năm đã không còn phù hợp nữa. Tuy nhiên, theo tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân đầu người hiện nay thì mức quy định như dự thảo luật cũng chưa thật sự phù hợp, ĐB đề nghị Quốc hội xem xét nâng mức này lên trên 200 triệu đồng cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, giúp giảm áp lực thuế và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ, lẻ có thêm nguồn lực để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Quốc hội ngày 29/10 Quốc hội ngày 29/10

Về mức thuế áp dụng đối với phân bón, ý kiến các ĐB còn khác nhau. ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) không đồng tình với việc áp thuế suất 5% đối với phân bón, vì cho rằng, nếu áp thuế, ngành nông nghiệp và người nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số ý kiến như ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đồng tình với dự thảo luật là áp dụng thuế suất 5% đối với phân bón; việc này nhằm hỗ trợ đầu tư sản xuất phân bón trong nước. Đồng thời, việc áp thuế này đều có lợi cho cả 3 nhà (Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông)…

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Luật Thuế GTGT có ý nghĩa rất quan trọng, tác động và ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình, nên nhiều nội dung cần thay đổi để phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế. Cơ quan soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ, kỹ lưỡng về các vấn đề đại biểu Quốc hội đã nêu để đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo