Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ III (đợt 2) tiến hành từ ngày 7-11-1983 đến ngày 11-11-1983, đã thảo luận các báo cáo về: tình hình và nhiệm vụ; công tác xây dựng Đảng; và bản kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa II). Đặc biệt Đại hội đã nồng nhiệt đón mừng đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn và nghiêm chỉnh tiếp thu những ý kiến chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí phát biểu trước Đại hội.
Với niềm phấn khởi và tin tưởng, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ III (đợt 2) quyết nghị:
1/ Nhất trí thông qua Báo cáo về tình hình và nhiệm vụ. Báo cáo về công tác xây dựng Đảng do đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy và đồng chí Phan Minh Tánh, Phó Bí thư Thành ủy trình bày, với những điểm sửa đổi và bổ sung như đã ghi trong bản tổng kết ý kiến của đại biểu do đồng chí Mai Chí Thọ thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày trước Đại hội. Các báo cáo đó đã đánh giá sâu sắc tình hình và hoạt động của Đảng bộ thành phố trong suốt nhiệm kỳ qua; khẳng định những thành tích và tiến bộ đã đạt được; nhận rõ những khuyết điểm đã mắc phải; phân tích kỹ các nguyên nhân và đã đề ra những nhiệm vụ chủ yếu, các công tác cụ thể của Đảng bộ thành phố trong 2 năm 1984 – 1985 và những năm 80.
2/ Nhiệt liệt biểu dương các tầng lớp nhân dân thành phố, lực lượng vũ trang, cán bộ công nhân viên, đảng viên, đoàn viên thanh niên cộng sản, các cháu thiếu niên nhi đồng, đã kiên cường phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong đời sống và sản xuất, giữ vững và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần làm chủ tập thể, tính năng động sáng tạo, tích cực chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào công cuộc cải tạo, xây dựng và bảo vệ thành phố.
3/ Đại hội nhất trí thông qua 7 nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ và nhân dân thành phố trong 2 năm 1984 – 1985 như đã trình bày trong Báo cáo tình hình và nhiệm vụ:
Một: Phấn đấu từng bước ổn định và cải thiện một mức đời sống của nhân dân lao động trên các mặt: việc làm, ăn, ở, đi lại, học hành, sinh hoạt văn hoá và chữa bệnh theo phương châm “Trung ương, địa phương, cơ sở và nhân dân cùng làm"; trên cơ sở phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm, hạ giá thành, tăng hiệu quả kinh tế, từng bước ổn định trật tự phân phối lưu thông, tập trung sức phát triển hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và dịch vụ, đẩy mạnh cải tạo thương nghiệp, quản lý tốt thị trường.
Hai: Đẩy mạnh tốc độ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, gắn công nghiệp với nông nghiệp, thực hiện việc hợp tác kinh tế giữa thành phố với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, sớm hình thành cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp trên địa bàn thành phố và khu vực. Cải tạo, tổ chức và sắp xếp lại công nghiệp trên địa bàn thành phố thành các ngành kinh tế kỹ thuật, theo hướng chuyên môn hoá, hợp tác hoá.
Về nông nghiệp, phối hợp chặt chẽ giữa các quận, huyện, huy động mạnh mẽ mọi khả năng của nội thành và vốn đầu tư để đẩy nhanh tốc độ cải tạo và xây dựng vùng nông thôn ngoại thành. Thúc đẩy mạnh và nhanh hơn nữa tiến trình xây dựng vành đai thực phẩm, vành đai cây công nghiệp, cây chất đốt, cây thức ăn gia súc, vùng rau chuyên canh, vùng lúa cao sản.
Để thực hiện được nhiệm vụ sản xuất và ổn định đời sống cần tích cực đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu. Phải coi “xuất khẩu là mũi nhọn quyết định để phát huy hết năng lực hiện có của thành phố, để mở mang xây dựng công nghiệp và xây dựng thành phố, đồng thời để đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước. Thành phố Hồ Chí Minh phải lớn lên, phải giàu có bằng con đường phát triển xuất khẩu, du lịch và dịch vụ quốc tế. Trước hết phải làm cho thành phố trở thành thành phố xuất khẩu" như đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ thị.
Ba: Đến năm 1985 phải hoàn thành cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp, công nghiệp và nông nghiệp của thành phố. Củng cố và phát triển nhanh kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể. Hoàn thành hợp tác hoá nông nghiệp ngoại thành dưới hình thức tập đoàn và hợp tác xã sản xuất.
Bốn: Đẩy mạnh cách mạng khoa học kỹ thuật tương xứng với vị trí then chốt trong 3 cuộc cách mạng và tương xứng với vị trí trung tâm khoa học và kỹ thuật của thành phố. Lấy việc phục vụ thành phố và toàn khu vực làm mục tiêu hoạt động của các ngành khoa học và kỹ thuật.
Năm: Đẩy mạnh hơn nữa cuộc cách mạng tư tưởng và văn hoá. Gắn chặt cách mạng tư tưởng, văn hoá với cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học kỹ thuật để cải tạo và phát triển toàn diện thành phố. Đặc biệt coi trọng mối quan hệ giữa cách mạng tư tưởng và văn hoá với phong trào lao động sản xuất của đông đảo quần chúng. Đẩy mạnh xây dựng nền văn hoá mới, lối sống mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, đấu tranh xóa bỏ những tàn dư văn hoá cũ, đồi trụy, phản động, làm cho cuộc sống nhân dân thành phố càng gắn bó với lao động, lành mạnh, văn minh, xứng đáng với thành phố mang tên Bác.
Sáu: Nâng cao cảnh giác cách mạng, phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố và tăng cường các lực lượng an ninh, quốc phòng; bảo đảm đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi tình huống chiến tranh có thể xảy ra.
Bảy: Nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Đảng bộ. Tăng cường hiệu lực của bộ máy chính quyền trong việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội và tổ chức đời sống. Phát động mạnh mẽ phong trào cách mạng mà đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển Đảng, Đoàn, nhất là trong công nhân trực tiếp sản xuất; trong các khu vực: phân phối lưu thông; tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp; giáo dục và những nơi chưa có tổ chức cơ sở Đảng hoặc chưa có đảng viên. Khẩn trương xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực, quan liêu xa rời quần chúng.
4/ Đại hội nhất trí thông qua các chỉ tiêu lớn và biện pháp chủ yếu về kinh tế - xã hội trong 2 năm tới là:
+ Về đời sống:
- Đến cuối năm 1985 phải giải quyết cho được 15 vạn lao động chưa có việc làm bằng các biện pháp đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp; phát triển vùng trồng cây công nghiệp (cao su, đay v.v…) xây dựng các nông, lâm trường ở Đắc Lắc, Long An, các huyện ngoại thành, nhất là Duyên Hải.
Bằng nhiều biện pháp tích cực, phấn đấu giảm bớt khó khăn, từng bước ổn định và cải thiện một mức đời sống của công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và những người trong diện chính sách.
Đối với khu vực sản xuất kinh doanh, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, sử dụng tốt công suất hiện có, xây dựng định mức và đơn giá hợp lý, thực hiện lương khoán, lương sản phẩm, áp dụng chế độ khen thưởng có tác dụng thúc đẩy tăng năng suất, tiết kiệm, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, khuyến khích những người lao động giỏi. Chống mất mát hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa.
Đối với khu vực hành chánh, sự nghiệp, trong khi chờ đợi chính sách chung về tiền lương của cả nước, trước mắt thực hiện đầy đủ và vận dụng sát đúng các chế độ đã có như: trợ cấp khó khăn, thù lao làm việc ngoài giờ, bồi dưỡng, thực hiện tốt các chế độ khen thưởng, nâng cao chất lượng công tác, hợp lý hoá tổ chức, tinh giảm biên chế, không được định một khoản thu nào khác vào tiền lương cán bộ, công nhân, viên chức ngoài những quy định thống nhất của Nhà nước. Có chính sách cho vay vốn với điều kiện ưu đãi, thực hiện chế độ gia công, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đơn vị tổ chức sản xuất tập thể, phát triển kinh tế gia đình được sự bảo trợ của Nhà nước.
- Tập trung giải quyết tốt các yêu cầu bức thiết về ăn, ở, mặc, đi lại, học hành, chữa bệnh, đời sống văn hoá và dịch vụ như trong báo cáo tình hình và nhiệm vụ đã trình bày.
Để thực hiện được nhiệm vụ từng bước ổn định đời sống Ban Chấp hành mới phải hình thành một bộ phận chỉ đạo về đời sống, củng cố các tổ chức chăm lo, bố trí, sắp xếp lao động, phát triển kinh tế gia đình, giải quyết những yêu cầu bức thiết hàng ngày của người lao động.
+ Về sản xuất:
- Về sản xuất công nghiệp: bảo đảm nhịp độ phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố hàng năm tăng từ 10 – 15%. Đến năm 1985 nâng công suất sử dụng trong các xí nghiệp quốc doanh lên từ 50 – 60%. Đạt giá trị tổng sản lượng:
. Năm 1984: 4,5 tỷ đồng trở lên.
. Năm 1985: 5 tỷ đồng trở lên.
Bảo đảm chất lượng và khối lượng các sản phẩm chủ yếu của kế hoạch như: Sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, vải, giấy, thuốc trị bệnh, dụng cụ thiết yếu trong gia đình và những mặt hàng xuất khẩu.
Đầu tư chiều sâu và phát triển một cách hợp lý ngành cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Đến cuối năm 1985 hoàn thành về cơ bản việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Kiến nghị với Trung ương bảo đảm tăng 10% lượng điện hàng năm cho thành phố.
- Về xây dựng cơ bản: phải tập trung từ 30 – 35% ngân sách xây dựng cơ bản cho ngoại thành, tăng cường việc xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật cho các hợp tác xã để đáp ứng yêu cầu cải tạo nông nghiệp. Chú trọng xây dựng và khai thác các công trình thủy lợi, nhất là thủy lợi nội đồng. Tu sửa đường sá, cống rãnh, hệ thống nước, nhà cửa, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng khác, không để xuống cấp. Điều chỉnh, sửa chữa lớn, tận dụng diện tích nhà còn trống và xây cất mới để giải quyết khoảng từ 10.000 – 15.000 căn hộ cho cán bộ công nhân viên, những người trong đối tượng chính sách và nhân dân lao động nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở quá rách nát. Phát triển nhanh sản xuất vật liệu xây dựng các loại. Hoàn thành một số công trình di tích lịch sử, công trình văn hoá cấp thành phố để kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng thành phố.
- Về giao thông vận tải, nâng tỷ trọng vận tải sông biển 2 năm 1984 – 1985 từ 60% trở lên (trong đó vận tải sông chiếm 40%) so với tổng khối lượng luân chuyển của ngành. Giải quyết cơ bản việc đi lại bằng phương tiện công cộng trên những tuyến đường chính của thành phố.
- Về nông nghiệp, đến năm 1985 phải hoàn thành cơ bản hợp tác hoá nông nghiệp với 2 hình thức tập đoàn sản xuất và hợp tác xã, mỗi xã phải có ít nhất từ 1 hợp tác xã nông nghiệp trở lên.
Đến cuối năm 1985:
. Sản xuất lương thực phải đạt từ 270.000 – 280.000 tấn.
. Chăn nuôi heo đạt 270.000 – 300.000 con đáp ứng từ 20 – 25% nhu cầu thịt của thành phố và xuất khẩu.
. Nuôi đánh bắt cá bảo đảm 30% nhu cầu của thành phố.
. Bảo đảm 80% nhu cầu rau của thành phố.
+ Về xuất nhập khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu:
. Năm 1984: phải đạt 120 triệu USĐ/R trở lên.
. Năm 1985: phải đạt 160 triệu USĐ/R trở lên.
Kim ngạch nhập khẩu:
. Năm 1984: 140 triệu USĐ/R.
. Năm 1984: 180 triệu USĐ/R.
Kiến nghị Trung ương cho thành phố được tiếp tục xuất khẩu trực tiếp một số mặt hàng do Nhà nước quản lý. Tiếp tục làm tốt việc chấn chỉnh công tác xuất nhập khẩu. Phát huy mọi tiềm năng của thành phố và liên kết với các tỉnh để tạo ra nhiều mặt hàng xuất khẩu.
+ Về thương nghiệp và quản lý thị trường. Đến cuối năm 1985 phải hoàn thành cơ bản việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp thành phố. Trước mắt phải xóa ngay tư sản thương nghiệp, sắp xếp lại lực lượng thương nghiệp tư nhân. Nâng tỷ trọng bán lẻ của thị trường có tổ chức từ 60% trở lên so với thị trường xã hội.
Ngành thương nghiệp phải thực hiện khẩn trương việc xây dựng mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đến tận cơ sở, tăng cường củng cố và phát triển các hợp tác xã mua bán, các đại lý, căn-tin, các xe hàng lưu động… bán với giá bảo đảm kinh doanh. Phải xây dựng và có dự trữ 3 quỹ hàng hoá như đã ghi trong Báo cáo tình hình và nhiệm vụ.
+ Về văn hoá, xã hội. Hoàn thành cải tạo ngành dược, y và nha, khẩn trương tổ chức sắp xếp lại sản xuất ngành dược toàn thành phố theo hướng Nhà nước độc quyền quản lý việc sản xuất và phân phối thuốc. Nghiên cứu xây dựng một cơ sở hoá dược. Tăng thêm giường nhi ở các bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa để bảo đảm đủ số lượng 3.000 giường nhi tại thành phố. Phát triển y tế dược phòng, đặc biệt chăm sóc sức khỏe cho trẻ em. Giảm tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên từ 1,9% xuống 1,7%. Hoàn thành cải tạo ngành in, ngành sân khấu. Chấn chỉnh công tác phát hành sách báo, văn hoá phẩm… Bảo đảm các đơn vị cơ sở đều có sinh hoạt văn hoá.
Xóa bỏ tình trạng học 4 ca và giảm đến mức thấp nhất tình trạng học 3 ca. Phải đảm bảo đủ sách, vở, dụng cụ học tập cho học sinh và phương tiện giảng dạy cho giáo viên. Đặc biệt phải nâng cao chất lượng giảng dạy trong trường, nhất là chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức. Có biện pháp tích cực chăm lo đời sống cho giáo viên và cán bộ nhân viên ngành y tế.
5/ Đại hội nhất trí thông qua các chỉ tiêu lớn và biện pháp chủ yếu về công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể và lực lượng vũ trang trong 2 năm tới là:
+ Phát triển đảng viên mới trong công nhân trực tiếp sản xuất, đưa tỷ lệ đảng viên là công nhân trực tiếp sản xuất từ 27% lên 40% so với tổng số đảng viên trong xí nghiệp.
+ Phấn đấu đạt 20% cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn vững mạnh trong sạch.
+ 50% tổ chức công đoàn cơ sở đạt tiêu chuẩn vững mạnh.
+ Nâng tỷ lệ đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lên 20% so với tổng số thanh niên thành phố, bảo đảm tất cả các cơ sở đều có tổ chức Đoàn; 50% tổ chức cơ sở Đoàn đạt tiêu chuẩn vững mạnh.
+ Tất cả chi hội phụ nữ phường, xã đều tham gia tổ chức mạng lưới phân phối lẻ, 100% các chợ trong thành phố đều có chi hội phụ nữ, tập họp tiểu thương vào các tổ ngành hàng. Phụ nữ vận động mỗi hộ nông dân ngoại thành bình quân nuôi 1,5 con heo.
+ Hội Liên hiệp Nông dân tập thể thu hút hầu hết nông dân vào Hội, xây dựng tổ chức Hội đều khắp trong các cơ sở sản xuất tập thể, làm nòng cốt trong sản xuất, cải tạo và xây dựng nông thôn mới.
+ Mặt trận Tổ quốc tích cực tham gia vào việc chăm lo tổ chức đời sống xã hội của nhân dân lao động trên các loại địa bàn dân cư.
+ Lực lượng vũ trang: Củng cố dân quân tự vệ, đưa tỷ lệ phát triển từ 4,1% lên 6% dân số với chất lượng cao. Tăng cường lực lượng đảng viên trong dân quân tự vệ từ 7,2% lên 8,5%, đoàn viên từ 17,4% lên 50% vào cuối năm 1985.
- Về an ninh chính trị, trong 2 năm 1984 – 1985 làm chuyển hoá rõ rệt các địa bàn trọng điểm về an ninh chính trị và những mục tiêu quan trọng ở nội, ngoại thành.
- Về trật tự an toàn xã hội phấn đấu giảm từ 1/3 – ½ các vụ, việc vi phạm trật tự và an toàn xã hội, nhất là các trọng án.
- Phấn đấu giảm đến mức thấp nhất tình trạng thất thoát tài sản xã hội chủ nghĩa và không còn những vụ xâm phạm lớn về cả số vụ và mức độ.
6/ Đại hội giao trách nhiệm cho Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa III) tổ chức chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và những công tác cụ thể nêu trong các báo cáo đã được Đại hội bổ sung và thông qua, tạo được bước chuyển biến mới trong sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ thành phố, lấy thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 1985 và kỷ niệm 10 năm ngày giải phóng thành phố.
7/ Đặc biệt, Đại hội giao trách nhiệm cho Ban Chấp hành mới phải tổ chức phổ biến, học tập, nghiên cứu rộng rãi và tổ chức thực hiện lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ III (đợt 2) tạo thành một động lực mới thúc đẩy công cuộc cải tạo, xây dựng và bảo vệ thành phố.
Dưới khẩu hiệu chung: "Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân" lấy lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư:
Vì cả nước, cùng cả nước, thành phố Sài Gòn hôm qua đã được giải phóng.
Vì cả nước, cùng cả nước, thành phố Hồ Chí Minh hôm nay nhất định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, làm khẩu hiệu động viên cho tất cả các phong trào hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân thành phố.
8/ Đại hội kêu gọi toàn thể đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân thành phố hãy nhận rõ vai trò, trách nhiệm của một thành phố có vị trí trung tâm về công nghiệp, văn hoá và khoa học, kỹ thuật…, phát huy đúng mức quyền làm chủ tập thể, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, phát huy tính năng động sáng tạo, nâng cao tinh thần cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, tăng cường đoàn kết nhất trí chung quanh Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn và ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ III, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước.
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH