Thành phố Hồ Chí Minh của cả nước, vì cả nước

Bài của đồng chí VÕ VĂN KIỆT, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, với tư cách là nguyên Bí thư Thành ủy, phát biểu một số vấn đề cụ thể về vai trò trung tâm công nghiệp của thành phố đối với các tỉnh trong khu vực, làm sáng tỏ một số điểm về phương thức phát triển kinh tế chung, tại Đại hội Đại biểu lần thứ III (đợt 2) Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh)

Tất cả chúng ta hết sức vui mừng được đón đồng chí Tổng Bí thư về dự Đại hội và nghe đồng chí phát biểu, vừa với tư cách người đứng đầu toàn Đảng chúng ta, thay mặt cho Ban Chấp hành Trung ương, vừa với tư cach anh Ba, người đã chỉ đạo sát sao, gần gũi liên tục phong trào đấu tranh của thành phố từ gần bốn chục năm nay và đã dìu dắt cả một đội ngũ cán bộ chúng ta.

Thay mặt cho một số đồng chí từng đảm đương trách nhiệm cùng với Đảng bộ và nhân dân thành phố vào những thời kỳ khác nhau mà dù hiện nay công tác xa thành phố vẫn luôn luôn gắn bó với thành phố, tôi xin kính chào đại hội.

Mỗi lần Đại hội đều làm cho chúng ta càng cảm thấy rõ sức sống vươn lên bất tận của Đảng bộ, tin tưởng sâu sắc ở tinh thần và ý chí cách mạng của đồng bào thành phố, tuy tuổi giải phóng chưa đầy mười năm, nhưng tấm lòng đã đến với Đảng từ người công nhân Ba Son Tôn Đức Thắng. Thành phố ta quả đã chuyển mình mạnh mẽ theo kịp đà chung cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, và trong tiến bộ chung của cả nước, đã có phần đóng góp nhất định của thành phố chúng ta, phần đóng góp không chỉ hạn chế ở một số mặt nào đó.

Là người trong cuộc, tôi xin bày tỏ niềm vui lớn được thấy phong trào cách mạng thành phố ngày mỗi vững chắc, toàn diện và Đảng bộ chúng ta trải qua thực tiễn phong phú, ngày càng dồi dào trí tuệ, tinh thần và kinh nghiệm mới.

Để cung cấp thêm một số tài liệu tham khảo, tôi xin đứng về phía người làm công tác kế hoạch Nhà nước, cụ thể hoá đôi phần khái niệm thành phố là trung tâm của khu vực và cả nước, theo từng bước đi trên chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, gọi là cố gắng minh họa tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của đồng chí Tổng Bí thư với thành phố chúng ta.

BƯỚC ĐI LÊN CHUNG CHO ĐẾN NHỮNG NĂM CUỐI CÙNG CỦA THẬP KỶ 80

Đúng như Nghị quyết Hội nghị lần thứ III và lần thứ IV của Trung ương đã xác nhận: Hiện nay đất nước ta đang đứng trước triển vọng tốt đẹp, nhịp điệu phát triển của nền kinh tế quốc dân trong ba năm qua đã mang lại những kết quả bước đầu nhiều hứa hẹn, tuy khó khăn còn không phải là nhỏ.

Thật vậy, có nhìn lại thực trạng của tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam vào những tháng cuối năm 1980, chúng ta mới thấy rõ sự chuyển mình của đất nước ta để vượt qua khó khăn gay gắt với quyết tâm cao và đạt thắng lợi lớn.

Có lẽ mọi người đều nhớ rõ: đất nước ta bước vào năm 1981 với một thực trạng kinh tế bị suy giảm rõ rệt: lương thực và thực phẩm không đủ cung ứng cho đời sống, sản xuất công nghiệp giảm sút nghiêm trọng (năm 1980 chỉ bằng 87% so với năm 1978); cán cân xuất nhập khẩu không thăng bằng (tỷ lệ xuất khẩu chỉ bằng 27% nhập khẩu); bao cấp hành chính quan liêu gây ra những hậu quả tai hại trong công tác quản lý kinh tế - xã hội; đời sống của người lao động đứng trước những vấn đề gần như nan giải, ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần lao động sản xuất…

Trong khi những vết thương của chiến tranh cũ chưa được băng bó hoàn toàn trên cơ thể của một nền kinh tế suy yếu, chúng ta lại phải dồn dập đương đầu với hai cuộc chiến tranh mới – chiến tranh biên giới tây-nam và chiến tranh biên giới phía bắc. Đã vậy, bước vào những năm đầu của thế kỷ này, nền kinh tế nước ta còn chịu sức ép nặng nề của tình hình quốc tế - nguồn ngoại viện giảm sút nhiều; giá cả trên thị trường thế giới không ngừng đột biến; bọn bành trướng Trung Quốc câu kết với đế quốc Mỹ ráo riết tiến hành chính sách bao vây và phá hoại kinh tế nước ta v.v…

Song, nhờ tập trung cố gắng cao nhất, trên cơ sở thấu suốt những quan điểm cơ bản trong đường lối chung và đường lối kinh tế của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, được Đại hội lần thứ V khẳng định và cụ thể hoá một bước, chúng ta tạo ra sự chuyển biến bước đầu về kinh tế mà thắng lợi nổi bật nhất là trên mặt trận sản xuất lương thực. Tuy có nơi, có lúc thời tiết không thuận lợi, việc đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, vật tư cung ứng thường thiếu và chậm, có những chính sách chưa phù hợp, sản lượng lương thực trong cả nước tăng liên tục ba năm liền và năm 1983 lần đầu tiên chúng ta không phải nhập khẩu lương thực để chi dùng. Sản xuất công nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp tăng bình quân mỗi năm 11,8%. Đời sống của nông dân lao động, tầng lớp đông đảo nhất trong nhân dân, nói chung ổn định và có mặt được cải thiện, đời sống công nhân ở nơi có điều kiện sản xuất tương đối đều đặn, có giảm bớt một phần căng thẳng khó khăn.

Những thành tựu bước đầu trên đây khẳng định tính đúng đắn của sự chuyển hướng chính sách kinh tế bắt đầu từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương (khóa tư).

Chính sách mới về quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước đã thúc đẩy người lao động hăng hái sản xuất, khuyến khích các ngành, các địa phương phát huy tính năng động, sáng tạo, phát huy tinh thần làm chủ tập thể, nêu cao ý chí tự lực tự cường, kết hợp với sự sử dụng cao nhất viện trợ, sự giúp đỡ và hợp tác của Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước khác và các tổ chức quốc tế, nhằm triệt để khai thác mọi nguồn tiềm năng dồi dào sẵn có từ đất đai, lao động và ngành nghề.

Sự chuyển hướng trong chính sách kinh tế mà thành phố này cùng với nhiều địa phương bạn nắm bắt nhạy bén kịp thời, chấp hành năng động, sáng tạo, đã mở ra hướng suy nghĩ mới, hướng làm ăn mới, tạo ra thế phát triển tích cực về kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấy rõ một điều là cho đến nay, nền kinh tế nước ta vẫn còn trong tình trạng rất khó khăn, chưa ổn định trên nhiều mặt: năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Lương thực là vấn đề số một của cả nước ta, tuy có tiến bộ đáng kể, song còn phải phấn đấu gian khổ để đạt được mức cần thiết - vừa đảm bảo giải quyết cái ăn và vừa phục vụ cho chăn nuôi, có dự trữ đề phòng các tai biến thời tiết vẫn luôn luôn đe dọa chúng ta. Về công nghiệp, nói chung, chúng ta chưa thể hài lòng. Sự phát triển chậm của công nghiệp hạn chế tốc độ đi lên của nền kinh tế nói chung và của nông nghiệp nói riêng. Về phân phối lưu thông, nhiều bài toán phải nói là hóc hiểm đặt ra hết sức cấp bách, nếu không giải quyết tốt thì nhất định có ảnh hưởng đến phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và từng bước ổn định đời sống.

Từ thực tiễn của những năm qua, chúng ta đã có cơ sở để hình dung từng bước đi lên của nền kinh tế - xã hội cả nước ta trong những năm cuối của thập niên 80 này.

TẬP TRUNG ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT LƯƠNG THỰC ĐỒNG THỜI PHÁT TRIỂN THẬT MẠNH CÂY CÔNG NGHIỆP

Chặng đường trước mắt là khoảng thời gian có tầm quan trọng đặc biệt, phải lấy đà từ những thành công bước đầu đã qua, kiên trì nắm vững chiến lược kinh tế - xã hội của Đảng, cố gắng tạo ra một bước ngoặt từ năm 1990, chuyển biến cơ bản thực trạng nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội trong cả nước, đồng thời hết sức chuẩn bị tiền đề và lực lượng để đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trên quy mô lớn trong những năm tiếp sau.

Khu vực của chúng ta bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có vị trí quan trọng đặc biệt; riêng đồng bằng sông Cửu Long là một trung tâm sản xuất lương thực của cả nước. Nếu đến năm 1990, cả nước cần phấn đấu đạt mức lương thực bình quân đầu người trên dưới 50 ki-lô-gam là mức đủ ăn, có dành một phần cho chăn nuôi và dự trữ, thì điều đó có nghĩa là trong vòng bảy năm tới, khu vực này của đất nước phải tăng sản lượng lúa lên gấp đôi, hơn gấp đôi, để có thể đạt mức trên dưới 15 triệu tấn thóc bằng con đường ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật, thâm canh, tăng vụ, mở rộng diện tích, trong đó khả năng tăng vụ còn rất lớn (hiện nay hệ số quay vòng sử dụng đất ở đồng bằng sông Cửu Long chưa được một lần, trong khi ở đồng bằng Bắc Bộ hệ số này xấp xỉ hai lần).

Đồng thời với việc tập trung đẩy mạnh sản xuất lương thực, cần phát triển thật mạnh cây công nghiệp. Đây là phương hướng chiến lược của chúng ta. Trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta, con đường tích lũy ban đầu cho sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là đi từ nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Một nền nông nghiệp có khả năng tích lũy ban đầu để công nghiệp hoá chỉ có thể là một nền nông nghiệp phát triển toàn diện. Dù cho cây lúa quan trọng đến mức nào, nó cũng chỉ đóng vai trò "cơ sở", điểm tựa để tiến lên công nghiệp hoá, bởi không thể tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng cây lúa độc canh. Chỉ có một nền nông nghiệp toàn diện mới đủ khả năng tích lũy cho công nghiệp hoá, mà ở nước ta, do điều kiện thiên nhiên cho phép, cây công nghiệp chiếm vị trí cực kỳ trọng yếu.

Đối với nền kinh tế của chúng ta thì cây cao su, dừa, cọ dầu, cây trà, cà phê, cây đay, mía, thuốc lá, đậu nành, đậu phộng, cây ăn trái rất phong phú cũng như các cây đặc sản khác ở vùng cao như: quế, hồi, trầu và rất nhiều cây dược liệu quý… là nguồn tạo ra sắt thép, xăng dầu, máy móc thiết bị và các loại nguyên liệu mà nước ta chưa thể sản xuất được. Chúng ta có thể nói được rằng cây công nghiệp chính là cơ sở vật chất - kỹ thuật để công nghiệp hoá. Như vậy, đối với chúng ta, việc phát triển cây công nghiệp là một trong những hình tượng cụ thể sinh động của sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, được thực hiện bằng “trung ương, địa phương và cơ sở", Nhà nước và nhân dân cùng làm", bằng liên kết và hợp tác kinh tế, bằng bốn nguồn cân đối, bằng phân bố lao động tại chỗ trên phạm vi cả nước, bằng tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện… và phát triển cây công nghiệp, phải thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng sôi động nhất của hàng triệu quần chúng.

Chúng ta đã có dự án phát triển cây cao-su từ 80 vạn đến 1 triệu héc-ta ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, trong đó gần nửa triệu héc-ta ở khu vực miền Đông Nam Bộ.

Chúng ta đã bàn đến một dự án phát triển cây dừa ở các tỉnh phía nam từ 16,5 triệu cây hiện nay, tương đương với một diện tích 83.000 héc-ta lên trên dưới 700.000 héc-ta với khoảng 100 triệu cây, tăng 8,4 lần về diện tích và 6 lần về số lượng cây trong thời gian bảy năm. Diện tích chung cả dừa và cọ dầu khoảng một triệu héc-ta. Trong dự án phát triển cây dừa, vùng đồng bằng Cửu Long có vị trí quan trọng nhất, với 65 triệu cây và xấp xỉ nửa triệu héc-ta.

Cây đay là tiềm năng lớn của đồng bằng sông Cửu Long. Trong nhiều năm tới, chúng ta còn có khó khăn trong việc giải quyết vấn đề mặc cho nhân dân. Ngoài việc đẩy mạnh trồng bông bằng giống địa phương, cây đay có thể lấp vào khoảng trống của cây công nghiệp mà chúng ta chưa có đủ điều kiện để phát triển, bằng xuất đay tơ để đổi lấy bông. Cần đẩy mạnh việc trồng đay trong những năm tới. Đến 1985, có thể trồng một diện tích khoảng 10 vạn héc-ta.

Nhìn xa hơn đến năm 1990, cả vùng lúa nổi ở khu tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười và nhiều nơi khác ở đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể trồng xen một vụ đay với diện tích khoảng nửa triệu héc-ta.

Cây mía có chỗ đứng ở hầu hết các vùng của đồng bằng Cửu Long và miền đông Nam Bộ. Chúng ta đang có dự án phát triển nửa triệu héc-ta mía ở các tỉnh phía nam đến năm 1990. Nếu đạt năng suất bình quân 50 tấn mía cây/héc-ta, thì chúng ta có được hai triệu tấn đường. Cũng cần nói thêm, mía cao sản của Nghĩa Bình đã đạt được năng suất 100 tấn/héc-ta, đặc biệt có nơi đạt 150 tấn/héc-ta.

Cây thuốc lá là cây công nghiệp ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Chúng ta đang có dự án phát triển 80.000 héc-ta thuốc lá đến 1.990 ở các tỉnh phía Nam, tăng 5,7 lần so với năm 1983.

Trên vùng đất của đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ còn có nhiều loại cây ngắn và dài ngày có giá trị như: đậu phộng, mè, đậu nành đó là chưa kể đến đào lộn hột, khóm, chuối, thầu dầu…

CƠ CẤU KINH TẾ - XÃ HỘI GIỮA THÀNH PHỐ CÔNG NGHIỆP VỚI TOÀN BỘ KHU VỰC DỒI DÀO KHẢ NĂNG NÔNG NGHIỆP

Những điều trình bày trên đây cho thấy cây công nghiệp có vị trí rất quan trọng ở khu vực chung quanh thành phố Hồ Chí Minh. Hơn bất cứ nơi nào ở đất nước ta, ở đây có thể rảnh tay rất nhiều, không phải quá căng thẳng vì lương thực, thực phẩm, có đất đai thích hợp, có lao động dự trữ dồi dào để phát triển cây công nghiệp. Theo hướng này đến năm 1990, có thể sớm hơn, các tỉnh trong khu vực về cơ bản sử dụng hết lao động và đất đai.

Ở đây, tôi xin nêu một thí dụ về một tỉnh lâu nay mang danh là nghèo theo quan niệm chỉ là lương thực, mà lương thực có nghĩa là cây lúa. Đó là tỉnh Tây Ninh. Vừa qua, theo quy hoạch sơ bộ, trên vùng đất Tây Ninh có thể trồng 4 vạn héc-ta cao su. Và sau khi hồ Dầu Tiếng, một công trình thủy lợi vào loại lớn nhất ở phía nam được đưa vào sử dụng, sẽ mở ra khả năng phát triển 7 vạn héc-ta mía, 3 vạn héc-ta đậu phộng, trên dưới 1 vạn héc-ta thuốc lá… đồng thời với đẩy mạnh thâm canh trên toàn bộ diện tích ruộng lúa. Đi liền với phát triển cây công nghiệp, Tây Ninh cần phát triển công nghiệp chế biến trong sự hợp tác chặt chẽ với thành phố Hồ Chí Minh. Với quan niệm về nông nghiệp toàn diện, về xây dựng ngay từ đầu cơ cấu công nông nghiệp thì Tây Ninh không thể là một tỉnh nghèo mà sẽ là một Tây Ninh giàu có.

Chăn nuôi là thế mạnh của khu vực. Chăn nuôi cần được phát triển cân đối với trồng trọt. Cả khu vực có 3 triệu 2 héc-ta đất đang sử dụng vào nông nghiệp; nếu chúng ta phấn đấu nâng cao hệ số quay vòng sử dụng đất lên 1,5 thì sẽ có 4 triệu 8 héc-ta đất gieo trồng. Và trên mỗi héc-ta đất gieo trồng phấn đấu nuôi 2 con heo chúng ta sẽ có 9 triệu 6 con heo.

Chăn nuôi trâu bò cũng cần được phát triển mạnh. Chúng ta phấn đấu đến năm 1990 và một số năm sau đạt mức bình quân một con trâu (bò) trên một héc-ta đất nông nghiệp. Như vậy, đến lúc đó chúng ta sẽ có đàn trâu bò khoảng 3 triệu 2 con.

Dưới chân cây lúa, trên diện tích mặt nước cần chú ý nuôi vịt, nhất là vịt thời vụ. Cứ mỗi héc-ta đất trồng lúa có thể nuôi bình quân 5 con vịt. Và như vậy, chúng ta sẽ có một đàn vịt khoảng 12,5 triệu con.

Thủy, hải sản thế mạnh nổi bật của khu vực, từ lâu nổi tiếng là vùng có nhiều tôm, cá vào hàng lớn nhất nước. Với bề mặt ruộng nước, ao, hồ, sông rạch, cá nước ngọt ở đây dồi dào cả về số lượng, chất lượng lẫn chủng loại. Nuôi tôm là một ngành kinh tế sinh lợi rất lớn, lại không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư. Ngoài những diện tích chuyên nuôi tôm, ngày nay đã có những thành công về nuôi xen (một vụ muối, một vụ tôm; một vụ lúa, một vụ tôm; nuôi tôm trong mương dừa…).

Mặt khác, về đánh bắt ven biển và ngoài khơi, nếu ta tập trung đầu tư cho khâu khai thác, bảo quản, chế biến thì sẽ có ngay khối lượng sản phẩm lớn, đa dạng và rất có giá trị kinh tế. Trữ lượng tôm cá ở vùng biển phía Nam theo tính toán của một số chuyên gia, có thể cho phép khai thác hằng năm mang lại giá trị trên dưới cả tỷ đô-la.

Đồng thời với phát triển nông, lâm, ngư nghiệp trên khu vực, chúng ta đang tìm cách giải quyết vấn đề năng lượng: khẩn trương chuẩn bị xây dựng công trình thủy điện Trị An, bảo đảm đến năm 1987 chạy tổ máy đầu tiên và đến 1990 hoàn thành toàn bộ công trình để có được một sản lượng điện trên 1 tỷ ki-lô-oát giờ, mặt khác, chúng ta đang có những biện pháp tích cực nhằm tăng cường Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức và mở rộng Nhà máy nhiệt điện Trà Nóc. Hơn nữa, phải bắt tay ngay vào việc khảo sát Trị An 2. Đó là chưa nói đến tiến trình khai thác dầu khí ở thềm lục địa do sự hợp tác liên doanh Việt – Xô đang bước vào giai đoạn khẩn trương.

Sự phác họa tổng quát trên đây cho chúng ta hình dung bước phát triển của khu vực trong những năm 80 này. Với 15 triệu tấn lương thực, nửa triệu héc-ta cao su, nửa triệu héc-ta dừa, nửa triệu héc-ta đay, hàng vạn héc-ta đào lộn hột, nửa triệu héc-ta mía, 8 vạn héc-ta thuốc lá, hàng chục vạn héc-ta cây ngắn ngày có giá trị cao như đậu phộng, đậu nành, thầu dầu, mè… với xấp xỉ 10 triệu con heo, hơn 3 triệu con trâu, bò, hơn 12 triệu con vịt, với hàng chục vạn tấn thủy sản và hải sản, với các sản phẩm dầu mỏ, tự nó đã xác định vai trò to lớn của thành phố. Với tư cách là một trung tâm công nghiệp, lớn của toàn khu vực - bởi nông nghiệp không thể tiến lên, tiến xa, nếu như không có sự tác động trực tiếp của công nghiệp. Hình thành ngay từ đầu cơ cấu công – nông nghiệp là yêu cầu tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội, là quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Ở khu vực này, sự hình thành đó thừa hưởng những tiền đề đặc biệt thuận lợi so với các khu vực khác trong cả nước, bởi, về khách quan, mối giao lưu giữa Sài Gòn với các địa phương bao quanh đã ra đời từ hàng trăm năm nay, đã là mối quan hệ hữu cơ ảnh hưởng và quy định lẫn nhau trong một cơ chế dù chưa tự giác. Đó là hình tượng đẹp của cơ cấu kinh tế - xã hội mà chúng ta xác lập giữa một thành phố có năng lực công nghiệp với toàn bộ khu vực cực kỳ dồi dào về tiềm năng và khả năng nông nghiệp, đạt mức sản xuất nông sản hàng hoá khá cao.

TẬN DỤNG NĂNG LỰC CÔNG NGHIỆP CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, BIẾN THẾ MẠNH TIỀM TÀNG THÀNH THẾ MẠNH HIỆN THỰC

Thành phố, theo quan điểm lịch sử, là thành quả to lớn của lao động xã hội, là hiện thân của sự vận động kinh tế tất yếu ở từng nơi, là chỉ số về trình độ phát triển và tích lũy kinh tế và văn hoá của một khu vực nhất định. Nói đến thành phố, trước hết là nói đến công nghiệp bao gồm tiểu, thủ công nghiệp. Năng lực sản xuất và trình độ tay nghề của một thành phố xét về khách quan, không thể có được trong một thời gian ngắn.

Thành phố ta gồm luôn khu công nghiệp Biên Hòa và gồm luôn công nghiệp do trung ương và địa phương quản lý, có năng lực sản xuất 220 – 240 triệu mét vải, 70.000 tấn giấy, từ 8.000 đến 9.000 tấn cao su chế biến, 7.000 tấn sơn, 170 triệu hộp sữa đặc, 300.000 tấn thức ăn gia súc (nếu nhà máy chạy 3 ca), 40.000 tấn bột giặt, 900 triệu bao thuốc lá (nếu sản xuất 3 ca), 160.000 tấn đường trắng, công suất trữ lạnh 34 tấn/ngày, nhiều chục triệu lít rượu và bia, xay xát hàng chục vạn tấn lúa, thành phố có năng lực sản xuất cơ khí, nhất là phụ tùng thay thế, nếu được tổ chức lại, đồng bộ hoá đầu tư chiều sâu, sẽ có khả năng sản xuất các sản phẩm phục vụ cho nông nghiệp, giao thông vận tải, cũng như có năng lực lắp ráp với một phần nguyên liệu hay linh kiện nhập và một phần tự sản xuất các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng phức tạp như máy thu thanh, thu hình, quạt máy, máy may, đồng hồ, v.v… Năng lực thủ công, mỹ nghệ của thành phố còn lớn hơn nhiều. Đặc biệt thành phố có một đội ngũ người làm khoa học kỹ thuật đông đảo, tài năng, hàng chục vạn công nhân xây dựng giỏi, rất nhiều thợ khéo tay, kinh nghiệm già dặn.

Nhìn qua con số thống kê, chúng ta dễ dàng thấy năng lực và công suất ấy của thành phố chưa được khai thác đúng mức, cái được khai thác cao nhất cũng chỉ đạt phân nửa, hơn phân nửa công suất, có cái chỉ được khai thác vài chục phần trăm.

Vậy thì, vấn đề số một bận tâm mỗi chúng ta trong đại hội hôm nay và sau đại hội, là làm sao tận dụng năng lực công nghiệp đó của thành phố, biến thế mạnh tiềm tàng thành thế mạnh hiện thực. Tận dụng năng lực công nghiệp của thành phố là phát huy thế mạnh nhất của thành phố trong cộng đồng kinh tế cả nước, là đóng góp vào quá trình đi lên của cả nước trên đường công nghiệp hoá theo một ý nghĩa rất thực tiễn.

Phải nhìn năng lực công nghiệp của thành phố như một vốn liếng quý báu của cả nước, đặc biệt là của cả khu vực.

Thành phố Hồ Chí Minh nằm giữa một hậu phương hùng hậu về nông nghiệp, về nguyên liệu phục vụ công nghiệp, về lương thực thực phẩm, là một trong những điều kiện thuận lợi cơ bản để tận dụng, phát huy thế mạnh và năng lực công nghiệp của thành phố.

Tận dụng năng lực công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh là nghĩa vụ của cả nước và gần gũi nhất là nghĩa vụ của toàn khu vực. Chúng ta đều biết cơ sở vật chất kỹ thuật của thành phố được xây dựng trước đây có phần liên quan đến nguồn nguyên liệu của khu vực, và ngày nay chúng ta hoàn toàn có điều kiện để sử dụng nguồn nguyên liệu đó một cách hợp lý nhất cho hoạt động công nghiệp thành phố, vì lợi ích của nền kinh tế cả nước ta, vì lợi ích của thành phố và vì lợi ích của các địa phương trong khu vực.

Theo Nghị quyết Trung ương lần thứ 3 và lần thứ 4, theo nghị quyết 01 của Bộ Chính trị, theo chỉ thị của đồng chí Tổng Bí thư, việc tận dụng năng lực công nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh là trách nhiệm của các ngành trung ương, của các địa phương trong khu vực, và lẽ tất nhiên trước hết là của thành phố.

Hiện nay, cái thiếu nhất của chúng ta là không đủ hàng tiêu dùng và một số thiết bị phục vụ cho nông nghiệp để trao đổi với nông dân, vừa thỏa mãn các nhu cầu xã hội, vừa thúc đẩy nông nghiệp phát triển, vừa bảo đảm cho Nhà nước nắm nông sản hàng hoá và tiền mặt một cách vững chắc qua lưu thông, đối lưu. Xét theo ý nghĩa chiến lược, đó là điều kiện bảo đảm củng cố khối liên minh công nông, là cơ sở thúc đẩy sức sản xuất toàn khu vực. Ngày nay công nghiệp thuộc về tay Nhà nước của giai cấp công nhân, cho nên hoạt động công nghiệp là biểu dương sức mạnh của chế độ. Càng có nhiều hàng công nghiệp đưa vào nông thôn thì càng thêm thuận lợi trong các mặt cải tạo nền kinh tế từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, càng khẳng định địa vị ưu thắng của chủ nghĩa xã hội.

Dĩ nhiên, đây không thể là công việc đơn giản, nhưng đây cũng không phải là lĩnh vực mà chúng ta không thể cải thiện được từng bước và có thể cải thiện nhanh.

Nói như vậy để nhấn mạnh toàn khu vực và thành phố phải gắn bó với nhau trong một thể phát triển thống nhất, cột chặt vận mệnh với nhau như trong chiến đấu, cùng nhau hiệp đồng, cùng nhau "chia lửa". Thành phố mà tách khỏi nguồn nguyên liệu, hay với nghĩa chung tách khỏi nguồn vùng nông nghiệp trù phú của khu vực, thì không còn có thế mạnh. Cũng như toàn khu vực mà tách khỏi thành phố thì khó tiến nhanh lên được.

Nhìn sức mạnh của cả khu vực chính là nhìn những đặc điểm của một toàn cảnh với một thành phố đã đạt trình độ công nghiệp nhất định nằm giữa một hậu phương trù phú.

Tôi xin nêu một vài ví dụ cụ thể: Đối với các xí nghiệp dùng nguyên liệu trong nước, ta phải phấn đấu bảo đảm sử dụng cho bằng hết công suất. Như thức ăn gia súc với nguyên liệu chủ yếu là cám, ngô, bột cá (trừ một số lượng nhỏ thuốc phải nhập) là những thức ăn sẵn có trên địa bàn khu vực, nếu các địa phương cùng nhau tổ chức hợp tác liên doanh, thì sẽ sử dụng hết công suất 300.000 tấn để phát triển mạnh ngành chăn nuôi.

Đối với các xí nghiệp phải dùng nguyên liệu nhập thì hoàn toàn có thể dùng sản phẩm nông nghiệp nuôi lại công nghiệp. Để phục vụ cho 18 triệu dân trên khu vực với mức bình quân 10 hộp sữa/đầu người/năm, các địa phương có thể cùng nhau góp vốn để cho các nhà máy sữa đặc của thành phố hoạt động hết công suất. Cố nhiên, để tận dụng được hết công sức phải giải quyết các yêu cầu khách quan là năng lượng và phụ tùng. Nhưng không có cách nào khác, những yêu cầu đó phải được chủ quan chúng ta giải quyết bằng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, bằng những chính sách và cơ chế thích hợp.

Mặt khác, vành đai nguyên liệu của cả khu vực theo các dự án phát triển, đòi hỏi công nghiệp thành phố phải "đặc biệt coi trọng đầu tư chiều sâu để sử dụng tốt năng lực công nghiệp hiện có, cả cơ sở sản xuất và lực lượng kỹ thuật. Ưu tiên sắp xếp lại, trang bị thêm và mở rộng các nhà máy cơ khí, sửa chữa và chế tạo", như đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ thị. Thí dụ về cây đay, khi đạt quy mô nửa triệu héc-ta, chúng ta phải có khoảng 100 nhà máy chế biến mà mỗi nhà máy có công suất cỡ bằng Nhà máy đay Cửu Long của thành phố hiện thời. Từ đó chúng ta có thể hình dung sự phát triển vượt bậc của công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp thành phố, cũng như sự phát triển vượt bậc của nền nông nghiệp toàn khu vực.

Một số đồng chí băn khoăn: liệu có xây dựng kịp các cơ sở chế biến không? Cố nhiên, lúc đầu chưa đủ nhà máy chế biến chúng ta phải xuất một phần nguyên liệu như đay tơ, cơm dừa, lần lần tích lũy, lấy dừa phát triển dừa, lấy đau nuôi đay…

Yêu cầu nói trên chỉ có thể được giải quyết bằng sự liên kết và hợp tác, bằng sự trao đổi sản phẩm công nghiệp với nông sản tiêu dùng và xuất khẩu mà thành phố nhận lãnh trách nhiệm trung tâm khu vực.

CẢI TẠO CÔNG THƯƠNG NGHIỆP TƯ DOANH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ VÀ CẢI TẠO NÔNG NGHIỆP TRÊN TOÀN KHU VỰC

Là trung tâm của khu vực, chúng ta cần nhận thức đầy đủ mối quan hệ chặt chẽ giữa công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư doanh trên địa bàn thành phố với cải tạo đối với nông nghiệp trong khu vực; công cuộc cải tạo công thương nghiệp trên địa bàn thành phố tiến hành tốt sẽ hỗ trợ trực tiếp và đắc lực cho hợp tác hoá nông nghiệp, điều kiện tất yếu để phát huy tiềm năng to lớn của đất đai và lao động của toàn khu vực.

Nói đến tiềm năng lớn của thành phố, ta không quên nguồn lao động dồi dào mà việc giải quyết công ăn việc làm cho tất cả không chỉ mang ý nghĩa xã hội. Ý nghĩa quan trọng hơn là từ lao động đó sản sinh của cải cần thiết cho đất nước, bản thân việc giải quyết đó thuộc về yêu cầu phát triển kinh tế, chủ yếu nó là vấn đề kinh tế. Từ đây đến năm 1985, thành phố phải giải quyết việc làm cho trên 30 vạn người với hướng chính là mở mang thật mạnh các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp. Mặt khác phải bố trí ngay lao động để sớm đưa vào sử dụng 1,5 vạn héc-ta đất hoang có khả năng nông nghiệp chưa được khai thác, và 1,5 vạn héc-ta khác thuộc loại đất có khả năng trồng rừng, trồng cây lấy củi ở ngoại vi thành phố. Đồng thời tích cực triển khai lực lượng lao động phục vụ cho trồng cây cao su ở miền Đông Nam Bộ, và để xây dựng toàn diện huyện Duyên Hải thuộc thành phố, cũng như hợp tác với các huyện Đắc Nông, Đắc Min của Đắc Lắc, hợp tác với Long An để khai thác Đồng Tháp Mười.

Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ ra vai trò xuất khẩu là mũi nhọn quyết định để phát huy hết năng lực hiện có của thành phố, để mở mang xây dựng công nghiệp và xây dựng thành phố, đồng thời để đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá nước nhà. Điều đó khuyến khích chúng ta tiếp tục chấn chỉnh tốt công tác tổ chức và quản lý xuất nhập khẩu, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, rộng lớn hơn đối với hôm nay và ngày mai, đối với khu vực và cả nước.

Tôi nghĩ là cần thiết phải nói rõ một quan điểm: chúng ta vừa nhắc đến các con số, song con số sẽ mãi mãi là con số trên giấy, nếu chúng ta không suy tính phương hướng và phương thức thích hợp nhất, hiện thực nhất, dễ hình dung nhất và cũng dễ hành động nhất để từng bước vững chắc đưa ý đồ chung của chúng ta vào nhịp độ cụ thể từng tháng, từng năm với hiệu quả trông thấy, trong điều khiển chủ động của ta. Với cách nhìn nào đó, chúng ta không thể vượt nổi bức tường thành trước mắt là vốn đầu tư. Song, bằng một cách tính toán phù hợp đồng thời rất tiến công, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết vốn ngay trong quá trình bắt tay vào sự nghiệp lớn lao này, buộc các con số phải phục tùng chúng ta. Tính toán từng con số có thể còn có độ co giãn nhất định, song cái mang nhiều ý nghĩa nhất vẫn là chọn phương hướng và phương thức đúng.

Để biến tất cả những triển vọng tương lai nói trên thành hiện thực, cần tạo nên một khí thế quyết đi tới và điều cấp bách để tạo được một khí thế như vậy là phải phấn đấu cao nhằm ổn định đời sống nhân dân một cách mau chóng. Đó là quan điểm quan trọng nhất trong chương trình nghị sự của đại hội lần này của Đảng bộ. Chúng ta biết việc giải quyết đời sống cho hơn 3 triệu người không bao giờ là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, quan điểm về cách giải quyết đời sống của nhân dân thành phố cũng là quan điểm nhìn vị trí của thành phố trong mối quan hệ toàn khu vực. Chúng ta cần tìm phương sách giải quyết đời sống phù hợp với đặc điểm của chúng ta hơn. Trừ số nông dân ngoại thành, tất cả công nhân và nhân dân lao động trong thành phố chỉ có thể cải thiện bữa ăn của mình hiệu quả nhất bằng lao động theo ngành nghề mà mình được phân công. Làm ra nhiều của cải từ tiềm lực công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp của thành phố, từ các ngành dịch vụ khác nhau…, đó là con đường cải thiện đời sống cơ bản và chính xác nhất. Vị trí của thành phố giữa khu vực cho phép thành phố giải quyết tốt vấn đề đời sống ngay trước mắt và tương lai phát triển của toàn khu vực, càng bảo đảm cho thành phố có khả năng xử lý vững chắc vấn đề đời sống.

Thành phố chúng ta nằm giữa một vùng lương thực và thực phẩm hết sức phong phú, hoàn toàn có thể giải đáp nhu cầu của thành phố về mặt lương thực, về rau tươi (550 – 600 tấn/ngày), về thịt (ước lượng từ 80 – 100 tấn/ngày), về cá (ước 150 tấn/ngày), về nước mắm (21 – 22 triệu lít/năm), về muối (20.000 tấn/năm) v.v… Lẽ nào một thành phố công nghiệp lớn như thành phố chúng ta lại không đủ hàng để đổi lấy chừng đó nông sản thực phẩm, đáp ứng nhu cầu đời sống hay sao? Ở đây, có khó khăn thật, nhưng là khó khăn từ chủ quan chúng ta. Rõ ràng, cái ngăn trở lớn nhất là tổ chức, là chính sách và một phần là cơ chế quản lý. Sắp tới chúng ta sẽ cùng nhau cố gắng tháo gỡ những ràng buộc này.

Về mặt tổ chức, tôi nghĩ thành phố ta có mặt mạnh về năng lực công nghiệp, về con người tiếp cận với nền sản xuất hàng hóa, về kinh nghiệm phát huy vai trò làm chủ tập thể của quần chúng. Ngay từ những năm tháng đầu tiên sau giải phóng, từ phong trào phụ nữ ở phường, khóm đã xuất hiện những hình thức hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tiêu thụ hỗ trợ mạnh mẽ cho thương nghiệp quốc doanh còn non yếu. Từ đó đến những năm tháng khó khăn hơn, ở cơ sở lại nảy nở nhiều hình thức phong phú, quần chúng tiếp tay cho Nhà nước trong công tác quản lý chợ, đấu tranh quản lý thị trường, góp phần bình ổn vật giá đặc biệt gần đây phối hợp với Công ty kinh doanh lương thực thành phố của chị Ba Thi, mở trong thời gian ngắn hàng nghìn điểm bán lẻ gạo có hiệu quả dưới hình thức đại lý, được lòng cán bộ và đồng bào, được trung ương khen ngợi. Chúng ta đã có "mô hình chị Ba Thi" ở ngành gạo. Tại sao không thể có "mô hình chị Ba Thi" ở ngành rau, ngành cá, ngành thịt, ngành chất đốt…?

Đồng chí Tổng Bí thư chỉ thị cho chúng ta: “Phải đấu tranh kiên quyết chống đầu cơ, buôn lậu, ăn cắp hàng Nhà nước và phá rối thị trường. Phối hợp lực lượng của nhiều ngành, dựa vào quần chúng, dựa vào cơ sở, để điều tra nắm tình hình tận gốc, kiểm tra, kiểm soát tận gốc, đấu tranh ngăn chặn tận gốc”. Để thực hiện việc đó, cần phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, thông qua việc thực hiện cơ chế phường, xã, xí nghiệp, nhanh chóng nhân các mô hình, điển hình tiên tiến trên lĩnh vực này.

ĐOÀN KẾT, NHẤT TRÍ, TIN NHAU, CÓ TRÁCH NHIỆM THẬT SỰ ĐỐI VỚI NHAU HƠN BAO GIỜ HẾT

Tất cả chúng ta hoàn toàn chia sẻ điều tin tưởng của đồng chí Tổng Bí thư là: Đại hội lần này đánh dấu một bước phát triển mới mạnh mẽ và vững chắc của thành phố Hồ Chí Minh trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Là người được tiếp xúc thường xuyên với cán bộ các ban, ngành của trung ương, các đồng chí ở thủ đô Hà Nội và các địa phương, tôi tin rằng điều khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư cũng là điều tin tưởng và kỳ vọng của cả nước ta, điều tin tưởng và kỳ vọng thể hiện sự đoàn kết nhất trí, tin nhau, có trách nhiệm thật sự đối với nhau hơn bao giờ hết.

Nhân dân ta ở các tỉnh phía nam cũng kỳ vọng thành phố chúng ta cùng cả khu vực chung quanh nhanh chóng kết hợp thành một cơ cấu công – nông nghiệp, phát huy năng lực sản xuất tiềm tàng sẵn có, trở thành một căn cứ địa về công nghiệp có tác dụng to lớn đối với kinh tế cả nước và hai nước bạn Cam-pu-chia và Lào.

Cán bộ và nhân dân ta cũng kỳ vọng thành phố Hồ Chí Minh nhất định chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng Bắc Kinh câu kết với đế quốc Mỹ mà thành phố là điểm quyết chiến; đảm bảo cho chủ nghĩa xã hội toàn thắng trong cuộc đấu tranh gay gắt để giải quyết vấn đề “ai thắng ai" giữa hai con đường mà chúng ta ngày càng nhận rõ ý nghĩa sống còn của nó đối với sự tồn tại của đất nước, sự vững mạnh của chế độ và niềm hạnh phúc của cả dân tộc.

Trong bối cảnh chung của tình hình chuyển biến đi lên của cả nước, tôi càng cảm thấy vui sướng được dự Đại hội này của đảng bộ thành phố.

Trước khi kết thúc, tôi xin kính chào toàn thể đồng chí và đồng bào thân mến, kính chào các má và bà con cô bác ở nội ngoại thành đã từng nuôi dưỡng, đùm bọc phong trào trong thử thách của cái sống và cái chết, hôn các cháu thiếu niên, nhi đồng, hoan nghênh các thầy, cô giáo và các bậc cha mẹ chăm lo giáo dục thế hệ tương lai.

Tôi gửi lời chào thương mến và quý trọng đến các bạn trẻ - đầu tàu mãi mãi thanh xuân của tính năng động quý báu của thành phố chúng ta.

Xin gửi lời chào thân thiết và chiến đấu đến cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân ngày đêm bảo vệ thành phố thân yêu là bảo vệ cả một tiền đồ phát triển. Tôi gửi những tình cảm nồng nhiệt và sâu sắc nhất đến các em thanh niên xung phong, biểu tượng cách mạng sáng ngời của thế hệ trẻ thành phố đã lên đường ra tiền tuyến mới suốt tám năm và sắp lên đường quy mô lớn hơn, tiến công vào các cứ điểm mới để làm giàu nhanh, nhiều cho đất nước, cũng là làm giàu nhanh, nhiều cho truyền thống anh hùng của thanh niên Việt Nam.

Nghĩ đến những mục tiêu phấn đấu hoàn toàn ở trong tầm tay chúng ta, từ kinh nghiệm phong trào, xin bày tỏ niềm tin tưởng bền vững ở giai cấp công nhân thành phố, những người đã, đang và sẽ gánh vác thật sự tự giác sứ mạng vẻ vang của giai cấp và dân tộc giữa một thành phố mà lịch sử được viết bằng chính mồ hôi và máu công nhân.

Chúng ta rất tin ở giai cấp nông dân tập thể và bà con nông dân ngoại thành, cũng như trong toàn khu vực, phát huy truyền thống thành đồng, hăng hái đi vào con đường làm ăn tập thể, phát triển mạnh mẽ nông nghiệp toàn diện, thắt chặt công nông liên minh, ra tay xây dựng cơ đồ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chúng ta rất tin ở đội ngũ đông đảo trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hoá ở thành phố, quán triệt quy luật đi lên của đất nước, phấn khởi lao động nghệ thuật và say sưa với bao nhiêu đề tài thiết thực cho sự tìm tòi, sáng tạo, có cơ hội phong phú ứng dụng thành quả của chất xám và tâm hồn, đóng góp hết sức giàu có vào đời sống vật chất và tinh thần của thành phố, toàn khu vực và cả nước.

BÓ HOA ĐẸP NHẤT DÂNG LÊN KỶ NIỆM LẦN THỨ 100 NGÀY SINH BÁC HỒ VĨ ĐẠI

Thay mặt những anh chị em dù nay công tác xa nhưng đã từng sinh hoạt và chiến đấu trong Đảng bộ, xin chúc Đại hội thành công, nghị quyết của Đại hội biến thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng, thành phố của chúng ta sẽ đạt những thành tích rực rỡ nhất trong cải tạo và xây dựng, để đến năm 1985 kỷ niệm xứng đáng ngày đánh dấu mười năm giải phóng, ngày toàn thắng đế quốc Mỹ của dân tộc tại nơi đây, nơi cả nước tranh chấp hàng trăm năm với kẻ thù.

Chúng ta nhìn đến một tương lai tương đối xa hơn, thành phố và khu vực trong quá trình phát triển gắn bó, tác động qua lại lẫn nhau, nương tựa vào nhau mà đi lên, đến cuối thập kỷ này, nhất định sẽ tạo ra một bước chuyển biến trong cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp trên địa bàn khu vực, mà thành phố càng tỏ rõ vai trò tích cực của một trung tâm. Tôi nghĩ, đó sẽ là một bó hoa đẹp nhất mà chúng ta kính dâng lên Bác Hồ vĩ đại vào năm 1990, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Người.

Từ cả nước và từ toàn khu vực chuyển mình, cùng cả nước và cùng toàn khu vực vươn lên, chúng ta quyết phấn đấu xây dựng một cuộc sống mới đầy ý nghĩa về vật chất và tâm hồn, nâng thành phố chúng ta lên, như đồng chí Tổng Bí thư mong mỏi: "Một thành phố có cơ cấu công nông nghiệp hiện đại, có văn hoá, khoa học tiên tiến, một thành phố văn minh có tầm cỡ ở Đông Nam châu Á".


Thông báo