Đến nay, vẫn có ý kiến cho rằng Cách mạng tháng Tám là “một cuộc ăn may” bởi do tình hình thời cuộc quá thuận lợi: trong nước các lực lượng nắm quyền đều đã từ bỏ quyền lực, ngoài nước thì lực lượng Đồng minh đã giành thắng lợi tuyệt đối trước phe phát xít… Cách nhìn nhận đó là phiến diện, không nhìn rõ bản chất của vấn đề, thậm chí có cả sự sai lệch, xuyên tạc, ác ý.
Rõ ràng, vào những tháng giữa năm 1945, người Nhật dù đang nắm quyền ở nước ta đã bị rệu rã về tinh thần do những thất bại liên tiếp mang tính chiến lược trước lực lượng Đồng minh. Nhưng dù thế nào, họ cũng đang có hàng vạn quân với đầy đủ trang thiết bị và một bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh – đã được thiết lập dần dần từ tháng 9-1940 khi Chính phủ Vichy thân Đức (do Pétain đứng đầu) đã cho phép Nhật đổ bộ vào Đông Dương. Không ai đảm bảo rằng trong lúc khốn cùng, quân Nhật không “làm càn” trước khi bị tiêu diệt. Trong khi đó, quân Pháp dù đã bị quân Nhật kiểm soát nhưng không có nghĩa là họ không có thực lực. Với sự cai trị suốt hơn 80 năm, quân Pháp đã có hệ thống “chân rết” – những kẻ có quyền lợi chính trị và kinh tế gắn chặt với chế độ thực dân – khá rộng khắp. Lực lượng này cùng với chính quyền phong kiến, bọn hội tề sẵn sàng ngóc dậy để kiểm soát từng khu vực nhỏ lẻ, có thể dẫn đến những cát cứ phức tạp.
Về danh nghĩa, bấy giờ nước ta đang có một chính quyền của người Việt, đó là chính phủ của Trần Trọng Kim cùng với nhà vua bù nhìn Bảo Đại. Dù chính phủ này mới ra đời, không được lòng dân nhưng ít nhiều đã có một lực lượng nhất định, được Nhật hậu thuẫn mạnh mẽ. Chính quyền này có thể tiếp tục được duy trì dưới những hình thức mới – nhất là dưới chiêu bài “quân chủ lập hiến”, tức vẫn duy trì Bảo Đại và có thể có một chính phủ nào đó. Như vậy, trên thực tế, về mặt quyền lực chính trị, nước ta đang trong tình trạng “tranh tối tranh sáng”, chứ không có nghĩa là “vô chủ”.
Trong tình hình đó, luận điệu cho rằng Việt Minh (tên thường gọi của Việt Nam Độc lập đồng minh hội) giành được chính quyền chỉ như là động tác “xô cánh cửa khép hờ” hoặc “đưa rổ hứng quả chín” nếu không phải tư duy quá ấu trĩ, ngây thơ thì cũng là sự xuyên tạc lịch sử nghiêm trọng. Bởi lẽ, từ khi Việt Minh ra đời (ngày 19-5-1941) thì lực lượng này đã phát triển rộng khắp và đã tạo ra một “khung sườn” vững chắc trong dân. Mục đích của Việt Minh là: “Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” (Điều lệ Việt Minh). Trên thực tế, “Việt Minh giải phóng đồng bào/Ai muốn giải phóng thì vào Việt Minh” đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc. Việt Minh bấy giờ là một mặt trận rộng rãi, với nòng cốt là những người cộng sản, đồng thời bao gồm cả trí thức, tiểu tư sản, tư bản dân tộc và dĩ nhiên đông đảo công nhân và nông dân. Rõ ràng, Việt Minh là một lực lượng yêu nước rộng lớn. Không có lực lượng này thì thử hỏi liệu có thể giành được chính quyền?
Bên cạnh đó, từ năm 1941, Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, đã tỏ rõ lập trường đứng về phía Đồng minh. Trong Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã 3 lần nhắc đến lực lượng Đồng minh. Trong đó có đoạn: “Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (…) Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Điều đó thể hiện sự tiến bộ của lực lượng yêu nước này nên được quần chúng tin tưởng là lẽ đương nhiên.
Đối với từng sự việc cụ thể, cuộc cách mạng là một sự tính toán cẩn trọng, khôn khéo, mà nếu không có một đường lối cách mạng đúng đắn, không có những bộ óc sáng suốt, không có lực lượng đủ mạnh thì không thể thực hiện. Đó là việc tiến hành khởi nghĩa ở từng khu vực (trước hết là vùng Việt Bắc) rồi tiến đến tổng khởi nghĩa. Khi giành chính quyền ở Hà Nội thì cũng tiến hành khởi nghĩa ở Sài Gòn và Nam bộ. Sau đó là buộc chính quyền bù nhìn Bảo Đại phải thoái vị. Đến ngày 28-8-1945, chính quyền toàn quốc đã về tay nhân dân. Rồi Chính phủ cách mạng lâm thời ra đời. Ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, không chỉ tuyên bố với quốc dân mà còn xác lập quyền tính hợp pháp của một chính phủ mới với toàn thế giới. Chậm vài ngày, khi lực lượng Đồng minh dưới danh nghĩa vào giải giáp quân Nhật sẽ tạo điều kiện cho bọn cơ hội và các nhóm phản động ngóc dậy. Khi đó tình hình sẽ rất phức tạp.
Như vậy, Cách mạng tháng Tám dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Bác Hồ đã giành thắng lợi trọn vẹn từ sự chớp thời cơ do điều kiện lịch sử chín muồi và một lực lượng đã được chuẩn bị chu đáo từ nhiều năm trước. Xuyên suốt trong cuộc cách mạng lịch sử này là tinh thần “lấy sức ta mà tự giải phóng cho ta”, không có lực lượng bên ngoài nào giúp sức và cũng không hề “gặp may”. Đó là một thành tựu vĩ đại của dân tộc ta. Sự thật lịch sử đó cần phải được ghi nhớ một cách đầy đủ!