Chủ Nhật, ngày 8 tháng 9 năm 2024

15 năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ở TP.HCM

Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố

TP.HCM có dân số khoảng 10 triệu người, với cơ cấu dân cư đa dạng, có 24 quận - huyện với 259 phường, 58 xã, 5 thị trấn, 38 sở, ngành và 43 đảng ủy cấp trên cơ sở (10 đảng ủy khối các bộ, ngành Trung ương tại thành phố; 16 đảng ủy khối sở, ngành thành phố; 17 đảng ủy tổng công ty, công ty). Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCCS), việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về quyền làm chủ của nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh; các đề án, chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, các công trình, chương trình trọng điểm, chương trình xây dựng nông thôn mới được các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, đồng thuận trong xã hội, tích cực tham gia của nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội thành phố.

Công tác quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền về thực hiện QCDCCS trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú như hội nghị chuyên đề, tọa đàm, hội thi tìm hiểu, sáng tác và biểu diễn các tiểu phẩm từ người thật, việc thật… Các địa phương có đông người Hoa biên soạn tài liệu bằng tiếng Hoa để triển khai, tuyên truyền. HĐND, UBND thành phố thực hiện nhiều kênh thông tin khác nhau thông qua hệ thống truyền thông như diễn đàn “Nói và làm”, “Lắng nghe và trao đổi” trên Đài Truyền hình thành phố, chương trình đối thoại cùng chính quyền thành phố trên Đài Tiếng nói nhân dân thành phố và các chuyên trang, chuyên mục trên báo chí... được nhân dân quan tâm theo dõi.

UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành, UBND quận huyện, doanh nghiệp đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình; cụ thể hóa việc mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân thành các quy định, quy trình thực hiện công khai các chế độ, chính sách, các chương trình, kế hoạch liên quan đến hoạt động của ngành; chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước, chú trọng công khai minh bạch các thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định nâng cao chất lượng thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt chế độ tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở hiệu quả, thiết thực hơn...

Gắn thực hiện QCDCCS gắn với một số chủ trương quan trọng

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tăng cường công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân giải quyết các bức xúc chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đến nay, đã công bố chấm dứt 536/1.200 dự án với diện tích 5.395,7 ha không khả thi hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện; rà soát, điều chỉnh, bổ sung trên 2.000 dự án đầu tư trên địa bàn thành phố có sử dụng đất; điều chỉnh hệ số k; hỗ trợ tăng thêm ngoài dự án...

Đặc biệt, tiếp thu, khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thành phố trực tiếp tiếp dân, giải quyết dứt điểm một số vụ việc phức tạp, kéo dài, trên cơ sở đúng quy định pháp luật, hợp lý, hợp tình. Năm 2013, 2014, toàn thành phố đã tổ chức 923 lượt tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, đặc biệt trong năm 2014, lãnh đạo thành phố tiếp công dân 32 buổi, giải quyết 47 vụ việc. Tính riêng trong giai đoạn 2011 - 2015 đã giải quyết 10.136/10.573 đơn khiếu nại (tỉ lệ 95,8%); 732/764 đơn tố cáo (đạt 95%). Thành phố cũng đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, viên chức, chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện để giải quyết tốt công việc của tổ chức và công dân. Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 35-CTrHĐ/TU thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, yêu cầu các cấp ủy, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân, tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; kéo giảm đáng kể đơn thư khiếu nại tồn đọng kéo dài nhiều năm, cơ bản khắc phục được tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu giao dịch hành chính; xử lý nghiêm vi phạm quy chế dân chủ, những trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà dân…

Trong phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, đã được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và ủng hộ cao của nhân dân; thực hiện dân chủ ở xã gắn với thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tích cực tham gia bàn bạc, quyết định và thực hiện; huy động sức dân tham gia xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa, xã hội, xóa nhà dột nát cho người dân; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Đến cuối năm 2015, có 54/56 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè được Trung ương công nhận huyện nông thôn mới.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là đối với các cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên trực tiếp, giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp. Qua đó, các cấp thành phố, quận, huyện, đảng ủy cấp trên cơ sở và cơ sở đã bình chọn, biểu dương hàng ngàn tập thể và cá nhân điển hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2011 - 2014.

Một số kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở

Ở cấp xã, 15 năm qua, cấp ủy, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dân chủ ở cấp xã, xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, quy ước; thực hiện công khai những nội dung để nhân dân biết như quy hoạch, dự án, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư, các khoản huy động nhân dân đóng góp, việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, thủ tục hành chính... Cấp ủy, chính quyền, MTTQ địa phương hướng dẫn thực hiện có nền nếp hội nghị nhân dân tổ dân phố, ấp mỗi năm 2 lần; lấy ý kiến của nhân dân góp ý cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã làm cơ sở để UBMTTQ cùng cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với cán bộ. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân thảo luận, tích cực tham gia hiến đất, vật kiến trúc và đóng góp kinh phí nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, tuyến hẻm; lắp đặt hệ thống camera quan sát để phòng ngừa trộm cắp, tham gia phát hiện, tố giác tội phạm; góp ý xây dựng chi bộ, đảng bộ, xây dựng chính quyền; chăm lo cho hộ nghèo; lắp đặt các thiết bị, dụng cụ thể dục - thể thao ngoài trời, xây dựng các khu giải trí, điểm văn hóa, điểm đọc sách...

Các cơ quan, đơn vị ban hành nhiều quy chế, quy định và thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế, quy định phù hợp với thực tiễn. Thực hiện những nội dung công khai đến cán bộ, công chức, viên chức biết về chế độ, chính sách, kinh phí hoạt động hàng năm, quy chế chi tiêu nội bộ; công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, bố trí cán bộ; công tác thi đua, khen thưởng; quản lý và sử dụng tài sản cơ quan; mua sắm trang thiết bị… Việc tổ chức hội nghị cán bộ - công chức hàng năm được thực hiện theo đúng thời gian, quy định, tỉ lệ đạt 97% - 99%. Thực hiện hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, niêm yết công khai các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết, triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, công khai đường dây nóng, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng tiêu chuẩn ISO, hiện đại hóa dịch vụ công; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm phiền hà cho nhân dân. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được các cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện; nhiều cơ quan, đơn vị đã tăng cường tổ chức đối thoại để nắm bắt và giải quyết kịp thời những kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Đến nay, 100% quận, huyện và phường, xã - thị trấn đã áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; 100% quận, huyện triển khai quy trình liên thông hoàn chỉnh giữa UBND quận, huyện với UBND các phường, xã - thị trấn trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế. Sơ kết 1 năm thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch, bảo hiểm y tế, quản lý cư trú, đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho người dân từ 20 ngày xuống còn 11 ngày, tiết kiệm gần 33 tỉ đồng chi phí thủ tục hành chính cho người dân.

Ở các doanh nghiệp, giám đốc, người quản lý, chủ doanh nghiệp chú trọng phát huy trách nhiệm người lao động trong xây dựng thỏa ước lao động tập thể; công khai các chế độ, chính sách, quyền lợi người lao động; tạo điều kiện để người lao động tham gia ý kiến xây dựng nội quy, quy chế làm việc và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; nhiều phản ánh, kiến nghị của người lao động được lãnh đạo doanh nghiệp tiếp thu, giải quyết chu đáo, từng bước xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp…

Một số kinh nghiệm thực tiễn

Việc thực hiện QCDCCS đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm lo, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong đời sống xã hội và trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Quá trình đó luôn gắn nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước.

Từ đó, có thể rút ra một số kinh nghiệm thực tiễn:

Thứ nhất, nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của Thành ủy về xây dựng và thực hiện QCDCCS, nhận thức đúng đắn, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, nguyện vọng của nhân dân; phát huy vai trò sức mạnh của nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia và thực hiện tốt QCDCCS.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, sự phối hợp hoạt động giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng tổ chức; gắn việc thực hiện QCDCCS với các phong trào thi đua, các cuộc vận động, khuyến khích và động viên kịp thời các điển hình tiên tiến.

Thứ ba, từng địa phương, cơ quan, đơn vị phải xây dựng quy chế, thường xuyên rà soát, bổ sung kịp thời, phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị, tạo thành nền nếp để quy chế đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Chú trọng các lĩnh vực có liên quan nhiều đến quyền, lợi ích của nhân dân và các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Thứ tư, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua đoàn thể; qua đó nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của nhân dân để kịp thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết, tạo không khí dân chủ lành mạnh trong xã hội…

NGUYỄN VÕ

tin khác

Thông báo