Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Phòng chống tham nhũng từ trong chi bộ

Tham nhũng gần như xuất hiện từ khi hình thành nhà nước, nó là khuyết tật của một nền hành chính, kinh tế được quản trị yếu kém. Nếu tham nhũng không được ngăn chặn thì quyền lực chính trị biến thành quyền lực kinh tế, từ đó quyền lực kinh tế chi phối, củng cố quyền lực chính trị. Và hệ quả tất yếu của nó là kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội, mất niềm tin của nhân dân đối với đảng cầm quyền và gây bất ổn về chính trị.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”(1).

Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, và của toàn bộ hệ thống chính trị”. Đảng đã chỉ ra 4 nguy cơ vẫn còn tồn tại, trong đó tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp và có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên tham nhũng…

Thời gian gần đây, nhiều vụ án tham nhũng đã được phanh phui trước công luận, nổi cộm trong các ngành như tài chính ngân hàng, hải quan, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường, công thương… Ngoài ra, còn những vụ tham nhũng nhỏ (tham nhũng vặt) thì diễn ra khá phổ biến, nhưng chế tài, xử lý có khi chỉ là kiểm điểm phê bình, rút kinh nghiệm hoặc xử lý kỷ luật hành chính, từ đó không có tính răn đe, giáo dục được người vi phạm, thậm chí có trường hợp tái phạm nhưng cơ quan tổ chức quản lý vẫn cho qua vì có nhiều lý do khác nhau. Đối tượng tham nhũng đa số là đảng viên có chức vụ và quyền hạn và vi phạm trong khi thực hiện nhiệm vụ công. Nếu không làm kiên quyết và triệt để thì đối tượng vi phạm còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và thách thức các cơ quan chức năng. Đảng ta đã phải thừa nhận rằng công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian vừa qua chưa đạt yêu cầu đề ra và vẫn còn những biểu hiện nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp.

Có thể nhìn nhận tình trạng đó có một số nguyên nhân như, người đứng đầu cấp ủy chưa quan tâm đúng mức trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, chưa ý thức đầy đủ của tham nhũng nó ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng; một số quy định của pháp luật chưa hoàn thiện hoặc quy định chung chung dẫn đến khó áp dụng; đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng một số ít còn chưa trung thực, công tâm, khách quan; chưa khai thác tối đa sức mạnh giám sát, phản biện của các tổ chứcchính trị - xã hội, các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và cử tri.

Trong sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình kém, không nghiêm túc, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến, một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao phụ trách. Công tác quản lý cán bộ chưa tốt và việc cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, tuyển dụng cán bộ còn có những kẽ hở nhất định nên dẫn đến cán bộ lại tiếp tục vi phạm.

Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cần quan tâm thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, người đứng đầu cấp ủy phải thực sự gương mẫu tự vượt qua chính mình và phải có quyết tâm chính trị thật cao mới làm được; phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ đảng viên đối với những vị trí việc làm dễ phát sinh tham nhũng; khi phát hiện tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng phải ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh đúng quy định của Đảng. Nếu người đứng đầu không có tính chủ động, dung túng, bao che, ngăn cản, tiếp tay, a dua cho tham nhũng, trù dập người tố cáo, người phát hiện tham nhũng thì cấp trên phải xử lý nghiêm bằng pháp luật và kỷ luật đảng. Đồng thời, phải xem kết quả phòng, chống tham nhũng của cấp dưới là thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của người đứng đầu.

Hai là, trong sinh hoạt chi bộ hàng tháng, phải thực hiện thật nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy cao độ tính tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân; bí thư chi bộ phải gần gũi các đảng viên, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, từ đó bí thư và cấp ủy hiểu đúng tình hình của chi bộ và đơn vị mình, để điều chỉnh phương pháp lãnh đạo cho phù hợp. Đây cũng là kênh định hướng dư luận xã hội, định hướng tư tưởng của đảng viên, đồng thời phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc (nếu có). Đối với những đảng viên có biểu hiện nể nang, né tránh, co cụm, ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, im lặng, nói dựa lấy lòng nhau, thậm chí a dua, phụ họa theo những nhận thức sai trái, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thì cuối năm phân tích chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, cấp ủy cấp trên phải yêu cầu kiểm điểm thật sâu, thật kỹ theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhất là những đảng viên có những biểu hiện dung túng, bao che khuyết điểm, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt công tác quản lý đảng viên cũng như để đảng viên mạnh dạn đấu tranh ngăn chặn các hành vi tham nhũng.

Ba là, tuyên truyền các quy định của Đảng và quy phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng phải được làm thường xuyên, liên tục trong sinh hoạt chi bộ; kết hợp lồng ghép việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 50-CT/TW ngày 7-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý, vụ việc, vụ án tham nhũng.

Bốn là, cấp ủy chi bộ phải bàn bạc thật kỹ trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý, phải xem xét từ các yếu tố như chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, đạo đức, những thành tích đã đạt được, năng lực, sở trường công tác, mức độ đam mê, yêu thích công việc, quá trình lịch sử…; chú ý cân nhắc cẩn thận việc bổ nhiệm những cán bộ đã từng vi phạm đến công tác tài chính, nhất là khi bổ nhiệm làm cấp trưởng hoặc ở những vị trí “nhạy cảm”, có thể phát sinh tham nhũng.

Năm là, thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản, ngoài việc nộp lên cấp trên theo quy định cần thiết phải công khai trong chi bộ để các đảng viên nhận xét, giám sát. Đồng thời, trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, nếu nhận được phản ánh, dư luận về thiếu minh bạch trong kê khai tài sản của đảng viên đó thì chi bộ cần làm rõ, phải yêu cầu đảng viên giải trình, cần thiết phải xác minh hoặc thực hiện việc kiểm tra. Hằng năm, chi bộ phải giám sát chặt chẽ những biến động về tài sản, nếu phát hiện những điều không minh bạch, bất hợp lý hoặc những gian dối, sai phạm thì phải xử lý ngay và báo cáo cấp trên có biện pháp giải quyết phù hợp.

Sáu là, chi bộ phải khuyến khích các đảng viên là thành viên các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội theo quyết định 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị; đối với chi bộ khu phố đề xuất các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề về tham nhũng thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương. Bên cạnh đó phải có ngay các hình thức động viên như bảo vệ, khen thưởng, giữ bí mật thông tin cho những đảng viên dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng, cung cấp thông tin tham nhũng và đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân có mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo, người cung cấp thông tin về tham nhũng.

---------------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.110,111.

ThS. PHẠM ÐÌNH LƯƠNG

tin khác

Thông báo