Thứ Bảy, ngày 28 tháng 9 năm 2024

Đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia theo lộ trình

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, chiều 26/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi.

Sau 16 năm thực hiện, Luật Thuế TTĐB đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, qua tổng kết, đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, nhiều quy định của Luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Việc sửa đổi Luật Thuế TTĐB để đáp ứng những yêu cầu từ thực tiễn phát sinh, tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật thuế TTĐB hiện hành; phù hợp với xu hướng cải cách thuế TTĐB của các nước.

Đáng chú ý, theo tờ trình, Chính phủ đề xuất 2 phương án tăng thuế TTĐB với rượu, bia theo lộ trình. Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030. Với rượu dưới 20 độ, mức thuế từ tối đa là 60% hoặc 70% đến 2030. Mặt hàng bia cũng tăng từ 65% hiện tại lên 90% hoặc 100% sau 6 năm nữa. Tuy nhiên, Chính phủ thiên về phương án 2, là áp thuế suất tuyệt đối (tức 100%) với sản phẩm rượu, bia vào năm 2030 do “tác động cao hơn trong giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia và tác hại liên quan do việc lạm dụng gây ra”.

Qua thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, đề xuất của Chính phủ trong cả 2 phương án đưa ra chưa đạt được mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều tiết sản xuất và định hướng tiêu dùng… Có ý kiến cho rằng, việc quy định mức thuế với bia và rượu trên 20 độ bằng nhau là chưa phù hợp, bởi tác hại của rượu hay bia phụ thuộc vào nồng độ cồn. Do đó, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về căn cứ đưa ra mức thuế suất các mặt hàng này và cân nhắc thu hẹp mức chênh lệch thuế suất giữa rượu dưới 20 độ và trên 20 độ. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định lộ trình tăng thuế. Theo đó, giai đoạn 2026-2028, thuế suất với rượu dưới 20 độ tương ứng các mức 90%, 95% và 100%. Rượu dưới 20 độ là 60%, 65% và 70% tương ứng các năm 2026-2028…

Cũng trong chiều 26/9, UBTVQH xem xét việc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch vốn năm 2024 cho các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 đã hoàn thiện thủ tục đầu tư. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cam kết về tiến độ, chất lượng của dự án; quản lý, sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, không để công trình, dự án nào gây thất thoát, lãng phí. Cùng với đó, qua việc phân bổ vốn cho các công trình, dự án thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Quốc hội phải giám sát cùng Chính phủ để triển khai thực hiện bảo đảm yêu cầu, tạo được niềm tin trong Đảng và Nhân dân.

Trong ngày 26/9, UBTVQH xem xét báo cáo và cho ý kiến về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) về hành chính năm 2024.

Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số đơn không đủ điều kiện xử lý ở các bộ, ngành trung ương, đặc biệt là ở Thanh tra Chính phủ có tỷ lệ cao hơn nhiều so với ở địa phương để có giải pháp xử lý, khắc phục phù hợp. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ báo cáo thêm kết quả của việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên, nguyên nhân của việc chưa khắc phục được triệt để; đồng thời, đề nghị đánh giá rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC ảnh hưởng như thế nào đến tình hình trật tự, an toàn xã hội.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị quan tâm đến việc rà soát hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực còn chậm; việc trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp chưa đảm bảo đủ số ngày theo quy định; công tác giải quyết các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền năm nay đạt 84,4%, thấp hơn so với năm 2023. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chủ yếu các đoàn đông người đến các bộ ngành giảm nhưng đến Thanh tra Chính phủ lại tăng; phân tích rõ số liệu các vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, làm rõ tình trạng chậm xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đối với các đơn thư của công dân, các cơ quan của Quốc hội chuyển đến.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới cần tăng cường trách nhiệm, chủ động, phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai tổ chức thực hiện, quan trọng nhất là giám sát, kiểm tra các ngành, lĩnh vực có tình hình khiếu kiện phức tạp và các vụ việc tồn đọng, kéo dài. Ở địa phương, chỉ đạo UBND các cấp chịu trách nhiệm giải quyết việc khiếu kiện trên địa bàn, thấu tình đạt lý, trên cơ sở “phải - trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”.

Về dự báo tình hình, năm 2025, dự báo tình hình vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có thể phát sinh nhiều KNTC về hành chính liên quan đến đất đai, môi trường, công tác nhân sự.... Vì vậy, các thành viên UBTVQH đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có tính khả thi, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng KNTC phức tạp.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo