Thứ Bảy, ngày 28 tháng 9 năm 2024

Luật Quảng cáo cần bao quát hết các hình thức quảng cáo trên không gian mạng

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục phiên họp thứ 37, ngày 24/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Trình bày tờ trình về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Nêu ý kiến thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012. Thường trực Ủy ban nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung, phân định, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương đối với hoạt động quảng cáo. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung trách nhiệm của Bộ Công thương trong thực hiện quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý; nghiên cứu, bổ sung trách nhiệm của Bộ Công an trong việc xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo liên quan đến an ninh mạng, an ninh trật tự xã hội.

Thống nhất với việc sửa đổi thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng để phù hợp với thực tiễn cũng như xu hướng phát triển của quảng cáo trên thế giới, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, việc điều chỉnh gấp 4 lần, từ 1,5 giây lên 6 giây cần được đánh giá tác động, lý giải kỹ lưỡng để đảm bảo khách quan, thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, dự thảo Luật chưa quy định đối với quảng cáo có chứa đường link dẫn đến trang thông tin cá nhân, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác, do đó cần nghiên cứu để có quy định phù hợp.

Đối với nội dung về quảng cáo trên mạng, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, việc bổ sung quy định quảng cáo trên mạng cần đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm bao quát hết các đối tượng hoạt động quảng cáo trên mạng.

Qua nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo cần phải lý giải, làm rõ hơn việc không tiếp tục quy định trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã về quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo; đồng thời làm rõ quy định Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, bởi quy định trong Luật hiện hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.

Riêng về quảng cáo trên mạng, các ý kiến phát biểu nêu rõ, hiện nay thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống sang quảng cáo trên không gian mạng; đây là nội dung sửa đổi rất quan trọng, do vậy cần tiếp tục đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, dự thảo Luật mới có các quy định tập trung điều chỉnh với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, chưa bao quát được hoạt động quảng cáo khác trên không gian mạng nói chung. Thực tế đang đòi hỏi không chỉ quản lý với quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, Twitter, Zalo, Instagram mà còn cần quản lý với quảng cáo trên các hình thức qua thư điện tử, email, các thiết bị viễn thông (tin nhắn SMS hay quảng cáo hiển thị trực tuyến). Do đó, dự thảo Luật cần bao quát hết các hình thức quảng cáo trên không gian mạng, bảo đảm phù hợp với các quy định liên quan tại Luật An ninh thông tin mạng.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị một số quy định của dự thảo Luật cần được tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của người tiêu dùng, của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực quảng cáo như qy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên báo hình, trên phim truyện, cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo…

Toàn cảnh Phiên họp Toàn cảnh Phiên họp

Về quy định đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, các ý kiến UBTVQH đều nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung khái niệm, quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng. Tuy nhiên, về các quy định cụ thể, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định, bảo đảm tính khả thi khi thực hiện Luật, khắc phục được thực tế hiện nay nhiều người dùng mạng xã hội bao gồm cả người có ảnh hưởng giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, không đúng sự thật, gây bức xúc, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Cũng trong ngày 24/9, UBTVQH cho ý kiến đối với 2 dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. UBTVQH thống nhất xây dựng 1 Nghị quyết liên tịch chung về tiếp xúc cử tri để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

 UBTVQH đề nghị không quy định nội dung tiếp xúc cử tri đối với đối tượng là trẻ em bởi trẻ em không phải là cử tri, không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết; nghiên cứu để quy định cụ thể hơn việc tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn ứng cử. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, dự thảo Nghị quyết phải chú trọng đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, địa điểm tiếp xúc cử tri đáp ứng được mục đích, yêu cầu đề ra. Trong đó, việc tổ chức tiếp xúc cử tri cần chú trọng tới vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo