Thứ Hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM: Nơi giúp người dân miền Nam gần Bác hơn…

Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM ra đời vào năm 1995, tiền thân là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, vốn ra đời từ năm 1979. Bảo tàng là một chi nhánh của hệ thống các bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. Ngoài những hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, tổ chức trưng bày, tuyên truyền, giới thiệu các tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh thì điểm nhấn của Bảo tàng chính là sự kiện Bác ra đi tìm đường cứu nước và mối quan hệ của Bác với nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân TP.HCM nói riêng.

TS. Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng, cho biết: “Việc tìm theo dấu chân cách mạng của Bác Hồ để hiểu được vì sao thành phố này mang tên Bác là một nhu cầu tự nhiên không thể thiếu được. Các thế hệ sau luôn muốn tìm theo dấu chân Người ra đi không phải chỉ để biết Người đã đi con đường nào, ở lại những nơi đâu, mà quan trọng hơn là để hiểu ánh sáng văn hóa của Người đã lan tỏa trong không gian và thời gian như thế nào”.

Đồng chí Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, lúc sinh thời, trong bài viết kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM, đã nhận xét: “Bảo tàng là một kênh rất quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục về lịch sử. Bảo tàng Hồ Chí Minh nói chung, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM nói riêng, với trọng trách là tuyên truyền, giáo dục về lịch sử của Bác Hồ, là Người được tổ chức UNESCO tôn vinh là “Vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn”, nếu làm tốt sẽ có ý nghĩa vô cùng to lớn. Con người ta sống, có phần xác và phần hồn. Nhân tố quan trọng hàng đầu trong phần hồn đối với người Việt Nam ta là lòng yêu nước, thương người, là ý thức về đạo đức, nhân cách, biết sống có nghĩa, có tình. Đó cũng chính là những nét đẹp mà Bác Hồ đã nêu gương. Do đó, hiểu về Bác Hồ, ý thức phấn đấu làm theo gương Bác Hồ được sâu sắc bao nhiêu thì đời sống tâm hồn của con người Việt Nam ta được cao đẹp bấy nhiêu. Làm công tác ở Bảo tàng Hồ Chí Minh là góp sức vào việc trồng người, vì lợi ích trăm năm, mà lại là góp sức xây dựng phần hồn trong trồng người. Đó mới là một sự nghiệp vô cùng cao quý”.

Nhiều khách tham quan cũng để lại trong sổ cảm tưởng của Bảo tàng những tâm sự đầy tình cảm: “Không phải lần đầu tôi được thấy những hình ảnh, hiện vật, mô hình về cuộc đời cách mạng cứu nước, cứu dân của Bác. Nhưng mỗi lần xem lại tôi vẫn xúc động mới mẻ bởi vì đời Bác lớn lao đến nỗi chúng ta học hoài không hết!” (nhà văn Nguyễn Hải Trừng); “Tất cả chúng ta có thể học ở Người những bài học có giá trị về đức tính liêm chính, nhìn xa trông rộng và suốt đời gắn bó với lý tưởng của mình. Chúng tôi, người Mỹ cũng biết chia sẻ lòng yêu tự do, giờ đây có thể cùng các bạn tôn vinh Hồ Chí Minh vĩ đại” (Paul Van Camp. MD, Oregon, Hoa Kỳ), “Qua những hình ảnh, tư liệu và các di vật tại Bảo tàng, chúng tôi càng nhận thấy rằng nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh thật cao đẹp. Người sẽ mãi mãi là tấm gương sáng chói về tài năng, đạo đức và lòng yêu nước nồng nàn để thế hệ trẻ chúng tôi noi theo” (Phương Thảo, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn)...

Công tác sưu tầm hiện vật luôn được Bảo tàng chú trọng, vì là chi nhánh nên hiện vật gốc về Bác rất ít, ngoài việc cố gắng sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau, Bảo tàng còn định hướng sưu tầm những hiện vật liên quan đến tình cảm của nhân dân – đặc biệt là tình cảm của nhân dân miền Nam với Bác. Qua thời gian, những “khoảng trống” trong hệ thống trưng bày đã được “lấp dần” bằng những hiện vật, sưu tầm hiện vật có giá trị và ngày càng phục vụ hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền, giáo dục.

Bảo tàng đã xây dựng được một thư viện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ độc giả dưới dạng “thư viện mở”, với hơn 5.000 cuốn sách do Bác viết và của các tác giả viết về Bác. Bảo tàng không ngừng phát huy tính chủ động sáng tạo trong công tác trưng bày thể hiện qua việc từng bước đổi mới về nội dung cũng như hình thức, loại bỏ hình thức trình bày minh họa cho các sự kiện, chuyển dần sang trưng bày theo sưu tập, coi trọng các trưng bày chuyên đề và các trưng bày lưu động; đồng thời áp dụng các thủ pháp kỹ - mỹ thuật, nhất là việc kết hợp màu sắc, ánh sáng, âm thanh, hình khối… để dẫn đắt và tạo cảm xúc cho khách tham quan, phối kết hợp với các họa sĩ, các nhà điêu khắc, thực hiện các bộ sưu tập chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng các chất liệu độc đáo…

Nhờ nhiều hoạt động đa dạng, mỗi năm Bảo tàng đã đón hàng trăm ngàn lượt khách tham quan trong và ngoài nước, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia, đoàn cán bộ cao cấp Đảng, Nhà nước, quân sự quốc tế đến thăm viếng, tìm hiểu và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 11 tháng đầu năm năm 2015, đơn vị đã đón tiếp và phục vụ 340.250 lượt khách tham quan, trong đó phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, phổ thông đưa 33.293 sinh viên, 89.535 học sinh đến Bảo tàng tổ chức các tiết học bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Việt Nam tại các phòng trưng bày.

Thời gian qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được chi bộ Bảo tàng xác định là một nhiệm vụ quan trọng, vì vậy chi bộ đã tập trung lãnh đạo mọi hoạt động hướng tới yếu tố “con người”, đặc biệt tầng lớp thiếu niên, nhi đồng, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên. Các chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Bảo tàng đã đóng góp một phần quan trọng trong việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về việc “đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bảo tàng luôn theo sát những sự kiện chính trị, những ngày lễ lớn của đất nước để nội dung trưng bày chuyên đề có nội dung tập trung, cập nhật tình hình thời sự. Chính sự cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh đã giúp người xem dễ dàng tiếp cận, nhanh chóng thấy rõ và hiểu sâu hơn về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để học tập và làm theo Người.

Năm 2015, đơn vị đã trưng bày, triển lãm tại bảo tàng 10 chuyên đề mang tính thời sự đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của thành phố trong các đợt phục vụ các ngày lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng, sinh nhật Bác, Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh…: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc sống đời thường, Việt Nam – Những Tuyên ngôn độc lập, Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, Bảo tàng đã phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo quận 4 tổ chức Hội thi vẽ tranh chủ đề Chúng em tự hào về thành phố mang tên Bác với sự tham gia của 36 trường với 150 em học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận 4; phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức Liên hoan văn nghệ, chủ đề Tháng Năm nhớ Bác với sự tham gia của cán bộ, công chức - viên chức, giáo viên, sinh viên, học sinh các trường học đại học, cao đẳng, trung học cơ sở, mầm non và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân…

Để công tác tuyên truyền, giáo dục vận động nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Bảo tàng không chỉ đẩy mạnh các hoạt động mà còn tích cực phối hợp với các trường học, cơ quan, đơn vị, đoàn thể thành phố, tổ chức 8 cuộc triển lãm lưu động trên địa bàn thành phố và các tỉnh. Đồng thời với việc trưng bày, triển lãm lưu động, Bảo tàng đã cử cán bộ báo cáo các chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các trường đại học, cơ quan, đơn vị…; phối hợp với các cơ quan tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Các hoạt động trên đã góp phần làm cho công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu và có tính lan tỏa rộng khắp, không chỉ trên địa bàn TP.HCM, các tỉnh Nam bộ mà ở trong cả nước. Từ đó đã tạo nên những chuyển biến sâu sắc trong nhận thức đến hành động của người dân, nhiều gương người tốt việc tốt tiêu biểu đã được nhân rộng.

Với những cố gắng và thành quả đạt được, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM đã nhận được các khen thưởng: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1997), Huân chương Lao động hạng Nhì (2009), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (từ 2003 – 2005), Cờ Thi đua xuất sắc của UBND thành phố (2006, 2013), Cờ Thi đua xuất sắc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (2007), Bằng khen của UBND thành phố (2008), (2008 – 2010), (2014 – 2015) có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

BẢO THƯ

Thông báo