Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nêu nhóm giải pháp về tổ chức cán bộ và sinh hoạt đảng: “Chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình”.
Tuy nhiên, hiện nay, xét trên bình diện chung vẫn còn một số chi bộ yếu kém; một bộ phận đảng viên, trong đó có cả đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, là cấp ủy viên, vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của Đảng dẫn đến phải xử lý bằng các biện pháp của Đảng, Nhà nước… Do đó, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI phải được thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao vì đây là vấn đề quan trọng và phức tạp, liên quan tới con người, đồng thời liên quan đến sự sống còn của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó có một nguyên nhân xuất phát từ trong sinh hoạt chi bộ, đó là chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt đảng, buông lỏng công tác quản lý, giáo dục đảng viên; nội dung sinh hoạt chi bộ chưa sâu, chưa được chuẩn bị tốt, thiếu tính giáo dục và sự sinh động, hấp dẫn; tính gương mẫu, tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình còn yếu, kể cả cấp ủy; việc sinh hoạt tư tưởng để cấp ủy nắm và hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên còn chưa được thực hiện tốt. Đôi khi, trong sinh hoạt, chi bộ bàn những chuyện rất xa xôi, ở tầm vĩ mô nhưng lại ít quan tâm giải quyết những vấn đề thực tế sát sườn của địa phương, cơ quan, đơn vị, của chính đảng viên trong chi bộ. Trong chi bộ chưa thật sự đoàn kết và chưa thể hiện rõ tình thương yêu giữa đồng chí, đồng nghiệp với nhau. Chi bộ cũng chưa thể hiện tốt vai trò là nơi lãnh đạo, giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát và rèn luyện đội ngũ đảng viên. Từ đó, vai trò hạt nhân của chi bộ chưa được thể hiện rõ nét, ít nhiều làm suy giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng và chính quyền.
Để thực hiện tốt việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, bên cạnh thực hiện các quy định, cần quan tâm một số nội dung sau:
Một là, thường xuyên lồng ghép trong sinh hoạt chi bộ về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó phải đặc biệt chú ý quán triệt tới đảng viên cho sâu, cho kỹ, ít nhất là 3 tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là Đạo đức cách mạng, Sửa đổi lối làm việc và Di chúc. Cần thực hiện bằng các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với chi bộ để các đảng viên không nhàm chán, không nói suông mà phải cụ thể hóa thành các công việc, việc làm thiết thực tại cơ quan, đơn vị, chi bộ mình.
Hai là, công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần phải thực hiện kịp thời ngay trong kỳ họp chi bộ lần gần nhất để bảo đảm tính thời sự của thông tin. Tránh tình trạng nghị quyết ban hành đã lâu, sự kiện trong nước, quốc tế và khu vực đã xảy ra nhưng mấy tháng sau mới có tài liệu tuyên truyền trong chi bộ. Làm tốt công tác này là chi bộ đã cung cấp kênh thông tin chính thống cho các đảng viên, tránh các thông tin gây nhiễu, từ đó định hướng được dư luận xã hội.
Ba là, bên cạnh các nội dung do cấp ủy chuẩn bị, chi bộ cần thêm nội dung báo cáo của các đảng viên (nếu có) hoặc đại diện nhóm đảng viên (nếu các đảng viên cùng thực hiện một hay nhiều nhiệm vụ chính trị giống nhau) và tự đảng viên sẽ đưa ra các biện pháp, giải pháp, kế hoạch tổ chức thực hiện, phương pháp nghiên cứu khoa học... và sau đó bí thư chi bộ kết luận đưa vào nghị quyết.
Bốn là, trong sinh hoạt phải tạo cho được không khí cởi mở, thân thiện, gần gũi, quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau... bằng việc thực hiện dân chủ trong Đảng, dân chủ ở cơ sở, từ đó chi bộ mới lắng nghe được hết các ý kiến của đảng viên. Có như vậy, cuộc họp chi bộ mới thực sự là đợt sinh hoạt chính trị bổ ích, đảng viên có cảm giác hứng thú khi đi họp để được đóng góp, được xây dựng, được tôn trọng, được cống hiến trí tuệ của mình cho Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ cơ sở.
Năm là, cấp ủy cấp trên nên phân công cấp ủy viên thường xuyên dự họp với chi bộ trực thuộc, để kịp thời nắm bắt được các vấn đề phát sinh, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp. Đồng thời, đây cũng là một hình thức kiểm tra, giám sát tích cực của cấp ủy viên cấp trên đối với tổ chức đảng cấp dưới.
ThS. PHẠM ÐÌNH LƯƠNG