Thành phố Hồ Chí Minh, đêm 7-4-2016…
Tôi không sao chợp mắt được. Cả đêm nằm mong trời sáng. Sự náo nức, chờ đợi để lên đường khiến tôi trằn trọc suốt đêm. Ngày mai, tôi đi Trường Sa!
Cảng Cát Lái, ngày 8-4-2016
4 giờ sáng, không thể chờ đợi được nữa nên tôi thức dậy chuẩn bị máy móc, hành lý để đến Bộ Tư lệnh Hải quân làm lễ xuất quân. 5g, tôi có mặt đã thấy nhiều người đến trước mình. Niềm vinh dự, sự háo hức và tinh thần trách nhiệm đã biến chúng tôi thành những người lính: khẩn trương, nhanh chóng, đúng giờ, tác phong gọn lẹ. Niềm vui vỡ òa trên gương mặt, niềm mơ ước đến với Trường Sa đã trở nên thật gần!
Rồi tàu xuất bến, những cánh tay vẫy chào của lãnh đạo thành phố và các ban ngành ra tiễn đoàn khiến chúng tôi thấy mình như những chiến sĩ xung trận, đầy háo hức, đầy nôn nao. Chào thành phố thân thương, chúng tôi ra Trường Sa!
Biển Đông, ngày 9-4-2016
Buổi sáng ngắm bình minh, buổi chiều đón hoàng hôn giữa đại dương là một trải nghiệm, một kỷ niệm thật đẹp trong đời. Và nữa, giữa đại dương mênh mông sóng nước, những “chiến sĩ” trên tàu KN 290 đã cất cao những bài hát về biển, về đảo Việt Nam! Tiếng sóng biển như hòa nhịp cùng chúng tôi, tiếng sóng biển mang tiếng hát chúng tôi đi xa, vang xa. Tiếng hát, tình yêu thương, đoàn kết của đại gia đình KN 290 đã trở thành sức mạnh! Chúng tôi mang sức mạnh đó, sức mạnh của đất liền, sức mạnh của hậu phương tiếp sức cho các anh lính đảo.
Đảo Đá Nam, ngày 10-4-2016
7 giờ sáng ngày 10-4, sau hơn 50 giờ lênh đênh trên biển, 48 đại biểu đại diện cho hơn 200 thành viên gia đình KN 290 được lên đảo Đá Nam để thăm cán bộ chiến sĩ trên đảo. Tôi may mắn được có mặt trong số này. Những vòng tay siết chặt, những trái tim rung lên vì niềm hạnh phúc có thật. Tôi vội vã gọi điện về gia đình thông báo: “Con ơi, mẹ đã đặt chân lên đảo Đá Nam”. Rồi tim như nghẹn lại, giọng tôi gần như lạc đi. Tôi lặng đi nhưng tiếng sóng biển vẫn ầm ầm, vẫn dội vào ghềnh đá.
Chiều, cả đoàn nôn nao khi đặt chân lên Song Tử Tây lúc 12 giờ 30, tôi quỳ xuống hôn lên mảnh đất dưới chân. Tôi tin, cảm xúc của những người lần đầu đặt chân lên hòn đảo này cũng như tôi: hạnh phúc, tự hào xen lẫn xúc động. Buổi duyệt binh giữa trưa dưới nắng gắt nhưng khiến mọi người xúc động. 10 lời thề của người lính đảo vang lên dõng dạc, đanh thép khiến mọi người nghẹn ngào và suy nghĩ về trách nhiệm công dân của mình. Các hộ dân trên đảo, những nụ cười trẻ thơ, mảnh vườn nhỏ trước sân nhà, tiếng khóc trẻ con, tiếng chuông chùa đem lại hơi ấm dân - quân trên đảo. Và tôi, sau 25 năm làm báo, đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn, nhưng hôm nay đã bật khóc ngọt ngào khi phỏng vấn mẹ con chị Đào Thị Hồng Hoa và con trai Sầm Khắc Huy trên đảo Song Tử Tây! Tình mẫu tử là điều khó lý giải bằng ngôn từ!
Những lời dặn dò của đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, những cái bắt tay của lãnh đạo đoàn, những món quà hậu phương như sách báo, thực phẩm, card điện thoại… trao tận tay chiến sĩ, như trao hơi ấm và trao cả yêu thương.
Đảo Sinh Tồn Đông, ngày 11-4-2016
Cả gia đình KN 290 thức dậy thật sớm, trang bị gọn gàng để chuẩn bị lên đảo Sinh Tồn Đông, những cuộc gặp mặt giữa bố con anh Vũ Văn Huê - Vũ Văn Hiện; Đặng Văn Mơ - Đặng Công Minh, Huỳnh Văn Sơn - Huỳnh Quốc Hưng đã khiến cả đoàn rưng rưng. Cuộc giao lưu văn nghệ trên đảo đầy lửa. Và, hoa tặng nghệ sĩ là những vỏ ốc, vỏ sò, những bó hoa muống, hoa cải đầy yêu thương. Tôi đoan chắc, trong đời họ chưa bao giờ có những người hâm mộ đáng yêu và nồng cháy đến vậy.
Buổi chiều, có 50 đại biểu được lên đảo Len Đao. Hòn đảo nhỏ nằm không xa Gạc Ma. Đứng trên đảo Len Đao nhìn thấy Gạc Ma mà tim như thắt lại. Hòn đảo bé nhỏ khiến chúng tôi khâm phục bởi ý chí kiên cường của lính đảo, bởi vườn rau xanh rờn bất chấp nắng khốc liệt, bởi chậu hoa đang hé nụ. Những nụ hoa hồng, hoa giấy bất chấp nắng oi ả, khô cằn vẫn tỏa hương sắc vươn về phía Gạc Ma. Đó phải chăng là ý chí lính đảo, là tinh thần Việt sẵn sàng xả thân đòi lại công lý, đòi lại những gì của chúng ta, thuộc về tổ tiên chúng ta. Gạc Ma phải trả lại cho Việt Nam! Và chúng ta phải đòi lại Hoàng Sa!
16giờ30, tàu chúng tôi đi ngang khu vực đảo Gạc Ma! Gạc Ma xương máu, Gạc Ma vẫn trong tim. Các anh đã nằm lại nơi đây, máu xương đã hòa vào lòng biển cả, máu xương đã tạo nên dáng hình chữ S! Giây phút cúi đầu mặc niệm, khói hương cay xè khóe mắt. Khi vòng hoa tưởng nhớ các anh thả xuống biển, tôi như nghe tiếng các anh đang gọi, tôi như nhìn thấy những bàn tay vẫy chào, tôi nhìn thấy cả những nụ cười tin tưởng các anh gửi gắm: rằng - phải đòi lại Gạc Ma!
Một ngày đầy cảm xúc, đêm – chắc chắn trong giấc ngủ của mọi người sẽ có những trằn trọc, suy tư nhiều hơn về những người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống, đã tô thắm cho lá cờ Tổ quốc.
Đảo Trường Sa Lớn, ngày 12-4-2016
Thật khó diễn tả cảm xúc khi tàu cập cảng để lên đảo Trường Sa. Có những điều chứng kiến, những cảm xúc trong chuyến đi cứ nhớ mãi. Tôi ngồi giữa 14 đứa trẻ ở Trường Sa, gương mặt trẻ con bầu bĩnh, đáng yêu mà lòng lặng đi khi nghe những câu hỏi ngây thơ. Tôi, từng là giáo viên dạy văn, từng đặt chân đến mọi ngõ ngách của đất nước, từng giảng những điều diệu kỳ, về thiên nhiên hùng vĩ cho sinh viên nghe, nhưng tôi đã loay hoay tìm cách diễn đạt cho các con một cách dễ hiểu nhất màu xanh của ruộng đồng khác với màu xanh của biển ra sao! “Màu biển con thấy mỗi ngày, nhưng màu xanh của mạ non, màu vàng của lúa chín ra sao hả cô?”. Rằng, bà ngoại là ai, gương mặt của ngoại nhăn nheo, mái tóc ngoại bạc trắng ra sao? Rằng thế nào là thành phố, là xe lửa, là bụi tre, là cánh cò… Những gương mặt ngây thơ, đôi mắt trong veo lắng nghe những điều tôi giảng, tiết dạy giữa đảo xa sao nặng lòng, đau thắt.
Tôi sẽ nhớ đêm Trường Sa cả đoàn và lính đảo rực cháy khi giao lưu văn nghệ. Tôi sẽ nhớ những đứa trẻ Trường Sa, những phụ nữ hiếm hoi trên đảo, da sạm đi vì nắng gió, và dĩ nhiên sẽ rất nhớ toàn bộ cán bộ chiến sĩ xếp hàng trên bờ để tiễn đưa đoàn. Khi tiếng còi tàu cất lên chào tạm biệt, tiếng hát trên tàu, tiếng hát dưới đảo, những cái vẫy tay tạm biệt, những đôi mắt ướt nhòe, những ánh đèn pin quét theo tàu chúng tôi cho đến khi chỉ còn là biển cả và bóng đêm… Tôi đã bật khóc nức nở như đứa trẻ.
Nhà giàn DK 1/14, ngày 13-4-2016
Tôi sẽ không bao giờ quên giây phút đứng trước mũi tàu nôn nao nhìn thấy nhà giàn. Có nhà giàn Quế Đường sừng sững trước mắt nhưng do không có trong lộ trình và không đủ thời gian nên đoàn không ghé được. Một sáng kiến thật hay, trong khi chờ lãnh đạo thành phố đi thăm các mô hình nuôi cá bằng lồng trên biển thì đội văn nghệ xung kích sẽ hát qua bộ đàm cho các chiến sĩ nhà giàn nghe. Trước mặt họ không có khán giả, không có tiếng vỗ tay nhưng nước mắt cứ tuôn ra trên từng gương mặt các ca sĩ. Họ hát bằng trái tim, tiếng hát họ theo cánh sóng đến với chiến sĩ, mang theo cả tình yêu nồng ấm.
Buổi chiều, nhà giàn DK 1/14 từ một chấm đen nhỏ xíu giữa đại dương đến khi sừng sững trước mắt, tim tôi không thể không rung lên khi chạm tay và leo lên nhà giàn. Nụ cười của lính nhà giàn khi gặp người thân từ đất liền ra có lẽ là nụ cười đáng yêu nhất mà tôi từng thấy. Nhà giàn DK 1/14 là một khối thép khổng lồ nhưng có lẽ, ý chí, sự can trường của lính nhà giàn còn vững chắc hơn cả khối thép đồ sộ kia. Nhà giàn còn là chỗ tựa cho ngư dân đánh cá khi sóng to, gió lớn, khi đối mặt với những hung dữ, hiểm nguy của đại dương: “Biển của mình, mình phải giữ, giữ cho ngư dân, giữ cho Tổ quốc là niềm vui của đời lính”, một người lính trẻ, giọng khẳng khái cho biết.
Ôm chặt những người lính nhà giàn, đồng chí Tất Thành Cang chia sẻ: “Được gặp, được nhìn thấy và thăm các đồng chí, chúng tôi ý thức hơn trách nhiệm của TP.HCM. Chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn, tùng người dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung sẽ hướng về Trường Sa, hướng về nhà giàn để các đồng chí yên tâm làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu”.
Biển Đông, ngày 14 và 15-4-2016
Chúng tôi đứng giữa đại dương và tiếp tục hát đến khản đặc giọng: “Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa”.
Sẽ là những ngày tháng rất dài, tôi sẽ ôm quặn tim mình hình dáng, nụ cười của những anh lính đảo, những luống rau xanh, một nhánh hoa giấy khô cằn nhưng vẫn vươn lên giữa nắng cháy, giữa đảo xa thật xa...
Tôi sẽ ám ảnh nụ cười, ánh mắt đầy yêu thương trên khuôn mặt cháy rám của anh lính đảo trẻ măng thủ thỉ vào tai tôi: “Em không có ai quen trong đoàn nhưng em đã mất ngủ mấy đêm nay để chờ các chị ra thăm. Em đi theo chị suốt từ trưa giờ vì chị giống mẹ em quá”. Tôi đã ôm và hôn lên trán cậu và bất chợt gọi: con trai. Cậu khóc - tôi khóc!
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi, chiếc tàu kiểm ngư hiện đại nhất Việt Nam KN 290 sẽ cập cảng Cát Lái, sẽ đưa đoàn về lại TP.HCM, kết thúc chuyến hải trình 8 ngày, 8 đêm đưa 176 người con của TP.HCM đến với các đảo tiền tiêu ở Trường Sa và nhà giàn DK 1/14 ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc về lại thành phố. Tôi dặn mình đừng khóc nhưng nghe lòng cứ rưng rưng. Tôi đã mang ra Trường Sa tình yêu, tôi mang về đất liền nỗi nhớ, “Trường Sa ơi, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn trong em!”