Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, khẳng định: “Đổi mới và nâng cao tính chiến đấu, sức thuyết phục, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng bộ và phản bác các quan điểm sai trái”; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của Đảng”.
Khoản 2, Điều 24 Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, được Đại hội Đảng lần thứ XI thông qua, nhấn mạnh: “Chi bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên; làm công tác vận động quần chúng và công tác phát triển đảng viên; kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên…”.
Để việc phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt kết quả tốt, đòi hỏi cấp ủy các cấp phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, phải khẳng định vai trò của người bí thư chi bộ có ý nghĩa quan trọng. Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng chính trị là một việc phức tạp và khó. Phức tạp vì nó liên quan đến vấn đề hệ tư tưởng, đến tư duy, đến phương pháp luận… Khó vì nó liên quan đến mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng; đến mối quan hệ giữa con người với con người, mà lại là đồng chí của nhau. Hiện nay, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Do vậy, đòi hỏi cấp bách là người bí thư chi bộ phải kiên trì, quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để góp phần ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Xin đề xuất 3 giải pháp tập trung của người bí thư chi bộ.
Một là, người bí thư chi bộ phải thật sự lắng nghe, thật sự cầu thị và trao đổi một cách thẳng thắn, chân thành với các đảng viên trong chi bộ. Trong quá trình sinh hoạt chi bộ, người bí thư chi bộ phải dành thời gian thỏa đáng và gợi mở để từng đảng viên bộc bạch những suy nghĩ thật sự của mình. Người đảng viên băn khoăn, trăn trở và bức xúc khá nhiều vấn đề. Nhưng, có thể khái quát hiện nay thường tập trung vào 4 vấn đề. Đó là: (1) Diễn biến phức tạp ở biển Đông; (2) Tham nhũng, lãng phí; (3) Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại, môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh; (4) Tăng trưởng kinh tế thấp, nợ công tăng nhanh, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Bốn nội dung trên đều lớn và khó. Người bí thư chi bộ phải kiên trì lắng nghe, trao đổi để tất cả đảng viên nắm được quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết 4 vấn đề trên.
Hai là, đổi mới phương pháp thông tin, tuyên truyền những chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đảng viên. Ngày nay, đất nước đang hội nhập ngày càng sâu, rộng, cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, đã tạo điều kiện cho mọi người có thể nắm bắt thật nhiều thông tin một cách nhanh chóng. Để tạo được sự thống nhất trong tư tưởng, đồng thuận trong hành động, đòi hỏi thông tin đúng, thông tin chính xác phải được truyền đến đảng viên trước, kịp thời hơn các thông tin khác. Đáp ứng yêu cầu quan trọng này, người bí thư chi bộ phải thực hiện tốt các công việc: (1) Tập hợp các thông tin từ nhiều nguồn (từ các văn bản của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội…; từ các cơ quan truyền thông, báo chí; từ trăn trở, băn khoăn của cán bộ, đảng viên; từ dư luận xã hội…). (2) Phân loại, mở rộng và thẩm định các thông tin thu thập được. (3) Truyền đạt thông tin chính thống, chính xác đến đối tượng một cách nhanh nhất, kịp thời nhất. Không đợi đến kỳ họp thường lệ mỗi tháng một lần, bí thư chi bộ phải thường xuyên, liên tục trao đổi thông tin để người đảng viên được nhận thông tin hàng giờ, hàng ngày một cách đầy đủ, nhanh và kịp thời.
Ba là, phân công đảng viên tham gia các hoạt động của chi bộ. Trừ các đồng chí do một số điều kiện hoặc do vấn đề sức khỏe không thể tham gia, bí thư chi bộ và cấp ủy phải chủ động phân công và kiểm tra việc tham gia các hoạt động của chi bộ đối với từng đảng viên. Có thể gợi ý đảng viên tham gia ít nhất một trong các nhóm công việc sau: (1) Nhóm các hoạt động cải tiến, nâng cao chất lượng trong quá trình lao động, học tập; (2) Nhóm các hoạt động thu thập và phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội; (3) Nhóm các hoạt động vận động các tầng lớp nhân dân, cùng tham gia hoạt động các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. (4) Nhóm công tác xây dựng Đảng.
Hiện nay, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn; việc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn bị động, hiệu quả chưa cao. Do vậy, đòi hỏi người bí thư chi bộ phải xác định việc phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một việc cấp bách, phải tập trung thực hiện.
PHẠM ÐỨC HẢI Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM