Thứ Hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024

Chất lượng đại biểu

Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là người được cử tri bầu ra, được ủy quyền đại diện cho mình trong cơ quan quyền lực, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Yêu cầu đặt ra của cuộc bầu cử là đủ số lượng, có quan tâm đến cơ cấu, nhưng hơn cả là chất lượng đại biểu.

Chất lượng đại biểu có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, góp phần thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đại biểu có trách nhiệm với những mặt được, chưa được trong hoạch định chính sách, quản trị, điều hành, phát huy nguồn lực của đất nước, địa phương. Để có được đại biểu có chất lượng, việc giới thiệu ứng cử viên đạt chuẩn và xem xét chọn người xứng đáng để “chọn mặt gửi vàng” là hết sức quan trọng.

Chỉ thị 51-CT/TW ngày 4-1-2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 nêu rõ: “Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng”. Cho đến nay, các bước trong quy trình bầu cử đã được tiến hành chặt chẽ theo quy định, ba lần hội nghị hiệp thương đã chính thức giới thiệu danh sách ứng cử viên. Các ứng cử viên đang thực hiện vận động bầu cử. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên và việc cử tri mạn đàm tiểu sử, tìm hiểu các ứng cử viên là quy trình giúp cử tri có thông tin cần thiết để chủ động chọn lựa trước khi bầu, mặc dù các ứng cử viên được giới thiệu đều đủ chuẩn, không có phân biệt ai là “quân xanh”, ai là “quân đỏ”.

Năm tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội và bốn tiêu chuẩn đối với đại biểu HĐND là khá toàn diện, đòi hỏi sự trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, có đạo đức phẩm chất tốt, có trình độ năng lực và uy tín, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, có điều kiện tham gia hoạt động đại biểu.

Nhiệm kỳ vừa qua, nhiều đại biểu đã hoạt động tích cực, thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh trí tuệ, thảo luận, tranh luận với tinh thần xây dựng, nói được tiếng nói của nhân dân nhưng cũng có đại biểu không phát biểu, không bày tỏ chính kiến và không thể hiện dũng khí, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Không ít đại biểu đọc bài phát biểu với nội dung chung chung, không sát với thực tiễn. Có những đại biểu phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, có trường hợp vi phạm pháp luật, bị bãi miễn tư cách đại biểu.

Hoạt động giám sát, chất vấn có tạo sự chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu, không ít vấn đề tái giám sát nhưng vẫn còn bất cập. Giám sát về phòng chống tham nhũng, lãng phí kết quả thấp. Đầu tư dàn trải, bộ máy cồng kềnh, thủ tục hành chính còn gây phiền hà, phân cấp, phân quyền và chế độ trách nhiệm không rõ... còn là những yếu kém cần sớm được khắc phục.

Tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách hiện nay đạt 30,8%, lực lượng này đã thực sự làm nòng cốt trong các hoạt động của Quốc hội; nhưng thực tế, số đại biểu công tác trong các cơ quan hành pháp vẫn còn cao. Hướng phấn đấu tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ là 40%. Vấn đề đặt ra không chỉ là tăng số lượng chuyên trách mà còn là tăng tính chuyên nghiệp và tăng cường sự gắn bó với nhân dân, với cuộc sống. Làm thế nào để khắc phục được tình trạng chủ trương, chính sách không phù hợp với thực tiễn mà người dân cho là “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử cần phải tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu, tăng cường năng lực hoạt động giám sát, có cơ chế thích hợp để đánh giá kết quả và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đại biểu dân cử, có cơ chế để đại biểu tham gia ý kiến, thảo luận kỹ những vấn đề quan trọng trước khi cơ quan có thẩm quyền của Đảng xem xét, quyết định...

Để chọn người xứng đáng bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, cần làm tốt công tác tuyên truyền, làm cho cử tri quan tâm tiếp xúc và tìm hiểu các ứng cử viên. Lá phiếu của mỗi cử tri góp phần quyết định việc hình thành cơ quan dân cử có chất lượng, hợp lòng dân, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển nhanh và bền vững.

PHẠM PHƯƠNG THẢONguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM

tin khác

Thông báo