Thực hiện Chương trình hành động số 09-CTrHĐ/TU ngày 16-3-2011 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2015, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 14-5-2011 về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố giai đoạn 2011 – 2015. Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố là một trong những nội dung của Kế hoạch này.
Trên địa bàn thành phố hiện có 85 trường cao đẳng, đại học, chia thành 4 nhóm: nhóm 1: các trường đại học, cao đẳng công lập trực thuộc thành phố, có 9 trường (2 trường đại học, 6 trường cao đẳng, Học viện Cán bộ thành phố); nhóm 2: các trường đại học, cao đẳng tư thục, có 23 trường (14 trường đại học, 9 trường cao đẳng); nhóm 3: các trường đại học, cao đẳng công lập thuộc bộ, ngành Trung ương quản lý có 46 trường; nhóm 4: các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM có 7 trường và 1 khoa trực thuộc.
Thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của các trường đại học, cao đẳng, trong đó có thể kể:
- Thực hiện Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND, thành phố có chế độ ưu đãi hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất, ký túc xá cho các trường. Từ tháng 11-2011, có 14 dự án đầu tư xây dựng của các trường được thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay trong thời gian 7 năm với tổng mức đầu tư là 1.427,3 tỉ đồng; tổng số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 608,2 tỉ đồng.
- Trong công tác củng cố, phát triển mạng lưới các trường và ký túc xá, ngân sách thành phố đã đầu tư 88 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị cho 4 trường để phục vụ cho 2 ngành Cơ điện tử và Công nghệ thông tin - Đa phương tiện theo chương trình tiên tiến của Singapore. Thành phố xác định quỹ đất để mở rộng các trường trung cấp, cao đẳng công lập, đồng thời quy hoạch đất xây dựng để di dời các trường cao đẳng, đại học ở nội thành theo quy hoạch mạng lưới các trường trên địa bàn thành phố.
- Trong việc nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường, đã cử 40 cán bộ, giáo viên tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của thành phố (trong đó có 39 thạc sĩ và 1 tiến sĩ). Sở Giáo dục và Đào tạo đã cử 14 cán bộ quản lý các trường chuyên nghiệp tham gia học tập và bồi dưỡng nghiệp vụ tại Đức, Singapore, Úc, Hàn Quốc…
- Trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, UBND thành phố đã tổ chức kiểm tra 103 lượt trường đại học, cao đẳng với 231 ngành theo quy định; tham mưu công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị và hiệu trưởng đối với các trường đại học, cao đẳng tư thục trên địa bàn; kiểm tra kết quả thực hiện các cam kết thành lập của 8 trường trên địa bàn; phối hợp tổ chức đánh giá, bình xét thi đua hàng năm đối với các trường cao đẳng, đại học thuộc thành phố; quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên kết đào tạo trong và ngoài nước của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn, các cơ sở đào tạo có liên kết với nước ngoài…
Với sự quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt, các mặt hoạt động của các trường đều đạt kết quả tích cực. Chẳng hạn, trong công tác nghiên cứu khoa học, có 21 đề tài nghiên cứu cấp bộ, 655 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở đã được thực hiện tại các trường, 857 công trình khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học, trong đó có 671 công trình đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và 186 công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế; có 892 đề tài nghiên cứu của sinh viên.
Thời gian qua, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố bình quân là 73,15%, nhiều trường có tỉ lệ trên 80% như Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, Đại học Hoa Sen...; đặc biệt, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đạt tỉ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp là 100%. Các trường đại học, cao đẳng thường xuyên tổ chức lấy ý kiến sinh viên sau tốt nghiệp và cơ sở sử dụng lao động để bổ sung, hiệu chỉnh chương trình đào tạo, đưa các chương trình này tiếp cận với thực tế sản xuất, phù hợp với trình độ phát triển khoa học trong xã hội hiện nay.
Nhìn chung, nhiều cơ sở đào tạo có uy tín được nâng cấp, đầu tư xây dựng đã tạo bước phát triển mới trong công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trên nhiều lĩnh vực, kịp thời bổ sung nguồn lực lao động cho các lĩnh vực, đơn vị trọng điểm. Trong đó, Trường Cán bộ thành phố được nâng cấp thành Học viện Cán bộ đã hỗ trợ thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Mạng lưới cơ sở đào tạo được củng cố và phát triển, quy mô đào tạo được mở rộng, ngành nghề đào tạo đa dạng, nội dung và chương trình đào tạo được thường xuyên cập nhật và điều chỉnh phù hợp với thực tế, góp phần tích cực cung ứng nhân lực có trình độ phục vụ yêu cầu phát triển của thành phố và khu vực. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên các trường, các cơ sở đào tạo không ngừng được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, bắt đầu tiếp cận được trình độ tiên tiến. Điều kiện cơ sở vật chất được cải thiện, đầu tư, nhất là các nhóm ngành công nghệ và dịch vụ thành phố ưu tiên, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo…
Theo UBND thành phố, trong giai đoạn 2016 – 2020, để tiếp tục nâng cao giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn, thành phố cần hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tiếp cận nguồn vốn vay của thành phố; hoàn chỉnh đề án phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học; cải tiến việc xử lý các thông tin liên quan đến nhu cầu nguồn nhân lực và dự báo tốt nhu cầu nhân lực ngắn hạn và trung hạn; khuyến khích các trường xây dựng chương trình đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất theo định hướng tiên tiến cấp khu vực Đông Nam Á, tiếp cận các chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo tiên tiến của các nước như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…