Thứ Hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024

Nhớ ngày giải phóng Phước Lý

Ấp Phước Lý, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai), nằm cách thành Tuy Hạ hơn 1 km, cách bến phà Cát Lái hơn 3 km. Nơi đây có một chợ hội tụ bà con các xã liền kề về buôn bán, có hai phố chợ, phần lớn là người Hoa sinh sống lâu đời. Nay chợ này đã dời ra cánh Đồng Phèn, ngày càng mở mang thành chợ huyện, tiếp cận Sài Gòn qua phà Cát Lái. Nhơn Trạch ngày nay có gần một chục khu công nghiệp và ngày càng đô thị hóa nhanh chóng. Trước đây, kho đạn thành Tuy Hạ lớn nhất nhì miền Nam thời Mỹ xâm lược, nên được chế độ Sài Gòn canh phòng cẩn mật từ vòng ngoài, song cũng đã bị đặc công giải phóng đánh cho nhiều trận vang dội, kho đạn nổ tung nhiều ngày liền...

Cuối tháng 4-1975, lúc đang học năm cuối Đại học Khoa học, tôi háo hức theo dõi các tin tức chiến sự và các biến động dữ dội của chính quyền Sài Gòn. Thực tình không nghĩ được thời điểm nào sẽ kết thúc chiến tranh, việc giành thắng lợi hoàn toàn của “phía bên kia”, của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam, của Quân Giải phóng, dù theo dõi chuỗi chiến thắng như chẻ tre từ Buôn Ma Thuột, đến Huế - Đà Nẵng chạy dọc theo ven biển miền Trung, vượt qua Phan Rang (quê hương của ông Nguyễn Văn Thiệu) đến cửa ngõ Xuân Lộc (Long Khánh) để vào Sài Gòn. Trong khoảng hơn 50 ngày đêm đó, tôi thường… lén nghe Đài BBC và các đài của Việt Nam, nhất là Đài Giải phóng.

Từ trước ngày 28-4, chúng tôi đã trông thấy một số nhóm quân Sài Gòn không rõ quân chủng nào, đi thất thểu qua chợ Phước Lý, đó là đoàn quân tập hợp lại sau khi đơn vị bị đánh tản mác; vẫn thấy có người chỉ huy song không hùng hổ như trước. Sự thất bại của đội quân Sài Gòn đã nhìn rõ, người dân khu chợ rất ái ngại, không biết chiến tranh rồi sẽ ra sao! Ngay chiều 28-4 đã có tin cách mạng chiếm thành Tuy Hạ, nhưng bấy giờ một đại úy của thành còn đùa với một số người trước chợ như minh chứng rằng đó là tin đồn nhảm vốn liên tục đưa ra từ cả tuần nay!

Sáng 29-4, chợ Phước Lý không có mấy người bán, dân đã lo tìm nơi trú ẩn xa thành Tuy Hạ, xa đường cái càng tốt. Đến trưa 29-4, gia đình chúng tôi cũng lánh đi. Chúng tôi ôm chiếc radio để cập nhật thông tin, từ Đài Giải phóng đến BBC, Bắc Kinh. Biết Nguyễn Văn Thiệu đã rút lui, biết “ông già” Trần Văn Hương đã không còn nói hung hăng, biết Dương Văn Minh đã nhậm chức và đang dùng lời lẽ nhã nhặn nói với cách mạng, đề nghị việc thương lượng, bàn giao… Chúng tôi có ý chờ thông tin phúc đáp từ cách mạng. Tôi tự xếp mình vào “lực lượng thứ ba” sẵn sàng chấp nhận mệnh lệnh, đứng về phía cách mạng.

2. Thành Tuy Hạ đã thuộc về quân Giải phóng, khu chợ Phước Lý đã được giải phóng từ buổi chiều tối 29-4 một cách dễ dàng. 2 giờ sáng 30-4-1975, chúng tôi cùng đoàn người lánh nạn đi ngược chiều với đoàn quân giải phóng đang tiến về bến phà Cát Lái, lòng rất vui xen lẫn các lo toan nối tiếp.

Ra đến đường nhựa, đoạn giữa chợ Phước Lý và phà Cát Lái, trong đoàn người đi vào vùng mới giải phóng, tôi trông thấy một xe jeep quen thuộc, nhưng bên trong là một sĩ quan giải phóng quân cao gầy, đeo súng ngắn, mặc đơn giản, mang dép râu, không quân hàm, cùng vài chiến sĩ ngồi phía sau. Trước mặt viên sĩ quan là ảnh Bác Hồ trong bộ quân phục, như “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”. Bức ảnh rập rờn theo nhịp xóc của chiếc xe trên đường xấu, dưới ánh trăng rạng sáng và dưới cách nhìn chăm chú của người dân vừa mới tiếp xúc với quân giải phóng. Cảm giác tin yêu đã thôi thúc chúng tôi đi nhanh vào vùng của quân đội cách mạng.

(Xin được nói thêm một chút về Bác Hồ. Tôi biết, tin tưởng và kính trọng Bác Hồ từ lúc hay tin Bác mất năm 1969 nhưng tôi chưa từng được trông thấy ảnh Bác một cách rõ ràng, chỉ một lần qua một ký họa của tạp chí nước ngoài. Không dễ nhìn thấy ảnh Bác dưới chế độ Sài Gòn, trừ các anh chị tham gia phong trào hoặc đã từng ra vùng giải phóng. Có thể mức độ giác ngộ của chúng tôi bấy giờ chưa đủ mạnh, nên chưa tìm kiếm quyết liệt chứ khá nhiều người không những thấy ảnh mà còn biết khá nhiều về Bác).

Xe quân sự chiến lợi phẩm từ từ vượt qua đám đông khơi dậy một niềm tin về cách mạng mà trước đó cha tôi từng tham gia (ông mất năm 1962) và một người anh là liệt sĩ (hy sinh năm 1964) - bấy giờ tôi còn trẻ con, tuy có biết nhưng không được ảnh hưởng gì nhiều. Chúng tôi đến một cánh đồng dọc đường nhựa, gọi là Đồng Phèn; dưới ánh trăng già rạng sáng 20-3 âm lịch là một trận địa pháo và súng cối dày đặc, ước tính hàng trăm chiếc, mỗi chiếc trên đất ruộng mùa khô được đào đắp che chắn tạm; tất cả hướng về Sài Gòn. Tôi thầm khen quân giải phóng, chỉ qua một buổi chiều tối mà dàn dựng trận chiến đấu đáng gờm!

3. Sáng 30-4-1975, được tin kho đạn thành Tuy Hạ có thể nổ tung nguy hiểm cả vùng, người dân Phước Lý lại cùng nhau chạy lánh nạn, đi càng xa càng tốt. Chúng tôi theo đường đất đỏ về hướng Bắc Thần (gần khu Du lịch Bò cạp vàng hiện nay) tức là đi sâu vô vùng vừa giải phóng hôm qua. Trên đường đi, tôi lại thấy một trận địa gồm hàng chục pháo lớn, pháo đặt vững chắc đầy trên sân bóng đá của thanh thiếu niên chúng tôi trước đây. Chúng tôi hình dung đây là trận công kích quyết liệt của quân giải phóng đánh vào Sài Gòn. Chúng tôi chạy cách xa dàn pháo này khoảng 3 cây số, lòng hồi hộp chờ đợi mà không rõ chiến tranh kết thúc thế nào. Sau này tôi hiểu ra đây là trận địa pháo lớn nhất chuẩn bị tấn công Sài Gòn.

Sau loạt đạn trọng pháo nã vào Tân Sơn Nhất từ sân đá banh Phước Lý, máy bay của Sài Gòn không còn hoạt động, các cánh giải phóng quân đã ầm ầm vào đến Dinh Độc Lập, buộc Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, phải ra Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời đầu hàng, không có việc bàn giao như đề nghị trước đó. Chúng tôi không hình dung được độ sôi động của đô thành và đến 12 giờ 30 (tức 11 giờ 30 giờ Hà Nội) nghe rõ trên đài phát thanh việc đầu hàng của Dương Văn Minh, chấm dứt chế độ thân Mỹ hơn 20 năm dài…

*

Đến 30-4 năm nay, tròn 41 năm, từ một sinh viên trở thành cán bộ, chuyên viên cao cấp của một ban đảng Thành ủy TP.HCM, tôi đã nghỉ hưu theo chế độ, xét thấy tuy không góp công sức vào sự nghiệp giải phóng, nhưng đã sớm thâm nhập và hết lòng, hết sức trong học tập, công tác, góp phần trong công cuộc xây dựng thành phố, xây dựng đất nước. Trong tôi có niềm vui hơn 30 năm công tác cách mạng, nhớ những năm đầu giải phóng phấn khởi vô cùng tận, nhớ những khó khăn, thử thách đã vượt qua, đã đứng vững trên quê hương yêu dấu với niềm tự hào sâu kín trong lòng!

TS. HOÀNG VĂN LỄNguyên chuyên viên cao cấp Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng

tin khác

Thông báo