Thứ Hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024

Những dấu ấn quan trọng của Quốc hội khóa XIII

Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc cũng chuẩn bị cho sự kết thúc của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ra đời của Quốc hội khóa đầu tiên. Nhìn lại 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ qua, có thể thấy Quốc hội đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét.

Dấu ấn về lập hiến, lập pháp

Thành tựu lập hiến, lập pháp quan trọng bậc nhất của Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua chính là đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Đây là bản Hiến pháp có quá trình xây dựng với quy mô tầm cỡ nhất từ trước đến nay trong lịch sử lập hiến nước nhà với hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân cho bản dự thảo và hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm trong và ngoài nước được tổ chức. Các chuyên gia pháp lý đều đánh giá, những tư tưởng tiến bộ, đổi mới chứa đựng trong Hiến pháp 2013 đều dựa trên tinh thần phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, kế thừa thành tựu của 4 bản Hiến pháp trong hơn 70 năm dựng nước.

Hiến pháp 2013 không chỉ định hướng cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước mà còn được cho là văn bản “dẫn đường, chỉ lối” cho công tác lập pháp của Quốc hội. Ngay trong quá trình xây dựng bản hiến pháp này, Quốc hội đã bắt tay vào việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật để triển khai thi hành Hiến pháp theo tinh thần tiến bộ của dự thảo Hiến pháp. Đến nay, sau hơn 2 năm từ khi Hiến pháp ra đời, đã có gần 70 đạo luật được Quốc hội thông qua, thuộc hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội...

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIII đã ban hành 107 luật, bộ luật. Đây là con số rất ấn tượng, bởi so với các nhiệm kỳ trước đó đều có sự vượt bậc cả về số lượng, quy mô lẫn chất lượng: Quốc hội khóa IX thông qua 53 luật; khóa XI thông qua 84 luật, bộ luật; khóa XII thông qua 67 luật, bộ luật. Trong đó, có một số luật được dư luận quan tâm và có tác động đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, như Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại, Luật Biển Việt Nam, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Tài nguyên nước, Luật Xử lý vi phạm hành chính… (năm 2012); Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đất đai… (năm 2013); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân (năm 2014); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo… (năm 2015); Luật Tiếp cận thông tin, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Luật Báo chí (sửa đổi), Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt… (năm 2016).

Dấu ấn về phản ánh được nguyện vọng của nhân dân

Quốc hội khóa XIII cũng thông qua nhiều quyết sách quan trọng quyết định việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; điều chỉnh các mục tiêu 5 năm sát thực tiễn hơn; tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội... Trong đó, có thể kể, Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân (kỳ họp thứ 3); Nghị quyết về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai (kỳ họp thứ 4); Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm (kỳ họp thứ 6); Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (kỳ họp thứ 7); Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động (kỳ họp thứ 9); Nghị quyết về thực hiện chế định thừa phát lại (kỳ họp thứ 10)…

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá, nhiều quyết sách đã giải quyết kịp thời bức xúc từ cuộc sống như: quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; hỗ trợ đóng tàu đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo... “Yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn trong quyết sách của Quốc hội nhiệm kỳ này được thể hiện rõ nét. Mỗi phát biểu của đại biểu đều xuất phát từ đời sống thường nhật, lấy mục tiêu lo việc của dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước”, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.

Chẳng hạn, chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành vốn có nhiều luồng ý kiến khác nhau, đã được Quốc hội thông qua sau quá trình thảo luận, cân nhắc thấu đáo, bởi Quốc hội xác định đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội phía Nam và cả nước.

Để làm được điều đó, Quốc hội nói chung và từng đại biểu nói riêng, đã luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân góp phần tạo ra sức mạnh cho Quốc hội, bảo đảm để Quốc hội bám sát sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội, có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân. Vì vậy, mỗi phát biểu của đại biểu Quốc hội trên diễn đàn đều như thổi bùng lên “hơi nóng” cuộc sống, thể hiện ý chí, mong muốn và nguyện vọng của người dân, lấy mục tiêu lo việc của dân để bàn thảo và quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Đã có những phát biểu của các đại biểu như một trăn trở lớn và cũng là sự gửi gắm niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội với quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc: “Nỏ thần chớ để sa tay giặc/Mất cả đất liền, cả biển sâu”, (đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM)...; hay đối với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng thì có “Dân chán cán bộ trau chuốt ngôn từ lắm rồi” (đại biểu Lê Nam, Thanh Hóa); nói về thực phẩm bẩn thì có “Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế” (đại biểu Trần Ngọc Vinh, Hải Phòng)...

Ngoài ra, trong hoạt động chất vấn, suốt nhiệm kỳ, Quốc hội đã tổ chức chất vấn trực tiếp tại 9 kỳ họp với hơn 40 lượt người trả lời chất vấn, hơn 1.000 phiếu chất vấn và hàng ngàn câu hỏi được gửi đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước... Điểm mới của nhiệm kỳ khóa XIII là tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, thể hiện việc theo dõi, giám sát đến cùng việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này của Quốc hội. Và lần đầu tiên, Quốc hội đã tiến hành “chất vấn toàn khóa” đối với những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.

Dấu ấn về cơ cấu, tổ chức

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIII hai lần thay mặt nhân dân cả nước thực hiện quyền giám sát tối cao trong việc đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã thúc đẩy những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn không ngừng phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, tạo chuyển biến rõ rệt trong trong một số ngành, lĩnh vực. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội nước ta tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch để công luận, cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát”.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện lần đầu tiên tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 (diễn ra vào đầu tháng 6-2013) và lần thứ hai được thực hiện tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 11-2014) đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Dư luận rất quan tâm đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đặc biệt là với lần thứ hai, bởi kết quả đó cơ bản phản ánh được sự thể hiện, nỗ lực cũng như năng lực quản lý, điều hành của từng cá nhân ở các chức danh. Do đó, phiếu tín nhiệm có tính chất như một “cuộc sát hạch”, để mỗi cá nhân trong diện được lấy phiếu phải thực sự không ngừng phấn đấu, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhân dân.

Đặc biệt, tại nhiệm kỳ này, Quốc hội khóa XIII đã hai lần bầu và phê chuẩn các chức danh: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội; các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ; Phó Chủ tịch nước; các Phó Chủ tịch Quốc hội; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 5 Ủy ban của Quốc hội và Tổng Kiểm toán Nhà nước; Phó Chủ tịch và một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng - An ninh... Lần đầu, Quốc hội thực hiện việc bầu và phê chuẩn các nhân sự sau kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội (vào tháng 7-2011) và lần thứ hai diễn ra ngay sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (vào tháng 4-2016). Trong đó, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội đã quyết định miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước và quá trình đó đã thực hiện bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương, định hướng của Đảng và quy định của pháp luật. Lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc kỳ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, cam kết trước Quốc hội và nhân dân nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ, có 2 lần Quốc hội thực hiện việc bãi nhiệm tư cách đại biểu. Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2012), 90% đại biểu đã bỏ phiếu tán thành việc bãi miễn tư cách của đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Đoàn Long An) vì “không trung thực trong khai hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội”. Còn tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6-2015), 90% đại biểu đã đồng ý bãi miễn đại biểu Châu Thị Thu Nga (Đoàn Hà Nội) vì có những “sai phạm nghiêm trọng trong kinh doanh”. Việc bãi nhiệm này là điều cần thiết để giữ nghiêm kỷ luật của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đồng thời là cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Kết thúc nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIII đã rút ra 8 bài học kinh nghiệm, trong đó có một số bài học đáng chú ý, như “kế thừa, phát huy các thành tựu, bài học kinh nghiệm của 70 năm Quốc hội Việt Nam, Quốc hội khóa XIII đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới mạnh mẽ, dân chủ thực sự, công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động”; “quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, phục vụ dân là yêu cầu hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội”; “chất lượng đại biểu Quốc hội có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”…

MINH TÂM

Thông báo