Thứ Hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024

Quán triệt nghị quyết đại hội đảng các cấp

Chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị có mũi nhọn

Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015, nông nghiệp đô thị TP.HCM tiếp tục có bước phát triển nhưng tỉ trọng trong cơ cấu kinh tế thì giảm xuống (từ 1% GDP xuống còn 0,9%). Điều đó cho thấy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp nhưng không vì thế mà hạ thấp vai trò của ngành này. Có thể nhìn nhận đóng góp tích cực của nông nghiệp ở các khía cạnh:

Một là, nông nghiệp thành phố cung cấp những loại thực phẩm và sản phẩm thiết yếu cho người dân thành phố, đồng thời cung cấp một số loại nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến. Nông nghiệp thành phố đang cung cấp các loại thực phẩm rau sạch, tôm sú, thịt gà, heo, bò… cho người dân, cung cấp các loại hoa kiểng như lan(1), bonsai, cây kiểng, cá cảnh(2)… để phục vụ nhu cầu trang trí, làm đẹp, đồng thời đáp ứng một phần nguyên liệu cho ngành chế biến sữa, bánh kẹo, thịt hộp, thuộc da… Theo Quyết định 13/2013/QĐ-UBND ngày 20-3-2013 của UBND thành phố Quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2013 – 2015, có 17 loại đối tượng nuôi trồng, ngoài một số loại đã nêu ở trên còn có hàu, cá sấu, dê, nhím, bắp, nấm… thuộc nhóm được khuyến khích và được hỗ trợ vốn, tức là những đối tượng sản xuất có đóng góp tích cực cho nông nghiệp thành phố.

Hai là, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở các huyện ngoại thành. Sản xuất nông nghiệp là yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới bởi xét cho cùng, nông thôn không thể không gắn với nông nghiệp, dù tỉ trọng nông nghiệp trong toàn bộ cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn không phải chiếm tỉ lệ chi phối. Chẳng hạn, một số huyện xây dựng nông thôn mới luôn gắn với sản xuất nông nghiệp hoặc hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ liên quan đến nông nghiệp; đồng thời, việc nâng cao thu nhập của một bộ phận người dân ở nông thôn cũng gắn liền với các hoạt động đó.

Ba là, từng bước hình thành nền nông nghiệp đô thị đáp ứng cho yêu cầu phát triển đô thị. Nông nghiệp thành phố đã dần chuyển đổi theo hướng thích nghi với điều kiện đô thị và phục vụ cho nhu cầu phát triển đô thị. Nông nghiệp đô thị có nhiều điểm khác biệt so với nông nghiệp nông thôn, đó là phải thực hiện chuyên canh, đầu tư chuyên sâu, sản xuất trong điều kiện diện tích nhỏ hẹp nên phải áp dụng công nghệ cao, sản phẩm chủ yếu phục vụ cho người dân đô thị, như giải quyết nhu cầu lương thực thực phẩm, nhu cầu trang trí…

Bốn là, tạo tiền đề để phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, làm đầu tàu cho khu vực phía Nam và cả nước. Trong điều kiện đô thị và ở một thành phố có nhiều thuận lợi về mặt khoa học, công nghệ, sản phẩm nông nghiệp của TP.HCM đang từng bước có hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng cao. Điều này không chỉ nâng cao năng suất của sản xuất, giá trị của sản phẩm, cải thiện cho người sản xuất mà còn góp phần cung cấp kỹ thuật và giống mới phục vụ phát triển nông nghiệp ở một số tỉnh thành bạn, nhất là khu vực phía Nam.

Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ thành phố đã nêu một số định hướng lớn về phát triển nông nghiệp, như: phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá kiểng, sữa của thị trường và gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng thành phố… Để thực hiện được mục tiêu đó, thành phố cần chú trọng đầu tư phát triển nền nông nghiệp đô thị có trọng điểm, mũi nhọn và thực sự không xem đây là ngành kinh tế “phụ”, không quan trọng chỉ vì tỉ trọng đóng góp trong cơ cấu kinh tế thấp. Đó là:

Thứ nhất, thực sự xem trọng phát triển nông nghiệp, xem đó là giải pháp góp phần bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho thành phố và phục vụ phát triển nông thôn. Thành phố cần có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp, nhất là với những sản phẩm, lĩnh vực thành phố có lợi thế so sánh và có nhu cầu. Cần có nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân, nhất là với tác động của ô nhiễm môi trường, biến động giá cả, bằng các dịch vụ bảo hiểm trong nông nghiệp, hỗ trợ đầu ra…

Thứ hai, cần xác định mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, lựa chọn những sản phẩm phù hợp nền nông nghiệp đô thị, có giá trị cao và thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của thành phố. Việc chọn lựa “2 cây 2 con” hoặc “3 cây 3 con” cần dựa trên những tính toán khoa học chứ không phải theo cảm tính hoặc nhu cầu mang tính thời điểm. Cần chú ý khả năng dự báo xu hướng phát triển của thành phố, xu hướng nhu cầu, xu hướng thị hiếu… để xác định mũi nhọn cho phù hợp; đồng thời, tăng cường hợp tác với các tỉnh thành bạn để chia sẻ thị trường, lĩnh vực, mục tiêu sản xuất, tránh giẫm chân lên nhau hoặc bỏ sót.

Thứ ba, không ngừng tìm những giải pháp tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp thành phố. Trong đó, cần chú ý công tác nghiên cứu khoa học trong sản xuất giống và cải tiến quy trình sản xuất; nâng chất hoạt động khuyến nông, đồng thời phát huy vai trò của hội nông dân các cấp trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất; tăng cường tiếp thu các tiến bộ khoa học về sản xuất nông nghiệp từ các nước…

Thứ tư, chú ý bảo đảm tính an toàn và tính thẩm mỹ của các sản phẩm nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp của thành phố phải an toàn cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, có hình thức ngày càng đẹp; quy trình sản xuất phải thân thiện với môi trường…

Dù nông nghiệp hiện đóng góp không nhiều cho kinh tế thành phố nhưng vẫn cần có một bộ máy từ thành phố đến huyện, xã, nên cần phát huy tốt hơn hiệu quả hoạt động của bộ máy này trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do đó, trong lãnh đạo, các cấp ủy cần định hướng khoa học, cụ thể, phù hợp để phát triển hơn nữa vai trò của nông nghiệp thành phố trong sự nghiệp phát triển thành phố mang tên Bác Hồ.

---------------------------------------------

(1) Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, đến cuối năm 2015, diện tích hoa, cây kiểng trên địa bàn thành phố đạt 2.250 ha, tăng 17,8% so năm 2010 (1.910 ha); giá trị sản xuất hoa cây kiểng tăng từ 1.257,4 tỉ đồng năm 2010 lên 1.833,8 tỉ đồng năm 2015, bình quân đạt 800 – 900 triệu/ha.

(2) Sản lượng cá cảnh xuất khẩu đạt 13 triệu con, giá trị kim ngạch đạt 12 triệu USD, tăng 100% so năm 2010, thị trường xuất khẩu được mở rộng đến 47 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường châu Âu chiếm 60 – 70% như: Đức, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Pháp, Ý, Thụy Sĩ…

NGUYỄN VÕ

Thông báo