Thứ Hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024

Quán triệt nghị quyết đại hội đảng các cấp

Tiếp tục đổi mới vì sự phát triển nhanh và bền vững đất nước

Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Nhìn vào thực tiễn phát triển kinh tế nước ta nói chung và ở TP.HCM nói riêng, có thể thấy rõ những hạn chế, vấn đề sau đây:

Thứ nhất, báo cáo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XII của Đảng yêu cầu cần nhận thức rõ về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Trong thực tế, nước ta cũng đã xây dựng đồng bộ 5 loại thị trường: thị trường hàng hóa, thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, nội hàm mỗi loại thị trường lại thiếu và yếu về nhiều mặt, nhất là chưa đáp ứng yêu cầu về thể chế, “hiện đại”. Do đó, các thị trường này phát triển kém bền vững. Vì vậy, vấn đề không nằm ở chỗ phải xây dựng thêm loại thị trường mới nào mà chủ yếu là hoàn thiện và hiện đại hóa mỗi loại thị trường và tạo ra sự liên kết hiệu quả giữa chúng với nhau.

Thứ hai, chúng ta chưa thực hiện hiệu quả được cơ chế “các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất”… Do đó, cạnh tranh còn kém minh bạch nên chưa góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy việc làm có ý nghĩa quyết định hiện nay là Nhà nước tiếp tục tạo lập môi trường, điều kiện để quy luật cạnh tranh vận hành đầy đủ. Muốn vậy, một trong những việc cần đẩy mạnh hơn nữa là cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc cạnh tranh lành mạnh, minh bạch giữa các doanh nghiệp.

Thứ ba, tuy ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển, nhưng kinh tế tư nhân chưa là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năng suất, vốn, công nghệ… của khu vực này còn khá thấp, cho thấy cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước còn chưa thật tốt và hiệu quả. Trước mắt, cần đẩy nhanh xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện tốt Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi…

Thứ tư, vẫn chưa tạo ra những cơ chế “đột phá” trong phát triển kinh tế; theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay, thành phố cũng giống tỉnh, phân cấp quá nhiều cho quận, mà quận lại không có khả năng thực hiện nhiều chức năng như quản lý, phát triển kinh tế trên địa bàn. Do vậy, nên cho thành phố thí điểm thực hiện cơ chế “đặc khu kinh tế”. Thí điểm thành lập các “đặc khu”: Thủ Thiêm, Nam Sài Gòn gắn với hướng liên kết vùng; các khu này có thể tổ chức như chính quyền đô thị, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò thúc đẩy. Việc phát huy vai trò của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng nhưng doanh nghiệp phải vận hành theo thị trường chứ không phải địa giới hành chính.

Thứ năm, cần tạo điều kiện hơn cho TP.HCM thực hiện cơ chế “chính quyền đô thị”, để cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Lúc đó, quyền lực của người đứng đầu thành phố sẽ cao hơn rất nhiều so với kiểu quản lý tập thể hiện nay, tạo điều kiện điều hành tốt hơn. Người đứng đầu làm việc không hiệu quả, chỉ số nào xuống thì người dân không tín nhiệm nữa. Nếu ta làm đúng mẫu hình của quốc tế thì điểm đột phá nhất sẽ là cải cách hành chính, giảm bớt bộ máy chồng chéo, cồng kềnh và giúp kinh tế phát triển nhanh.

Báo cáo chính trị tại Đại hội XII nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường. Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội. Bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức canh tranh; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và định hướng phát triển của Nhà nước; tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài”.

Để tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tháo gỡ kịp thời những khó khăn nhằm khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, cần thực hiện một số giải pháp:

Một là, chuyển mạnh từ nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhất. Theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, điều mà các doanh nghiệp mong đợi nhất là Nhà nước “tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh” thực sự để cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Hai là, phân bổ nguồn lực phát triển theo thể chế thị trường; xây dựng hợp lý các cơ chế chính sách và các đòn bẩy kinh tế, như thuế suất, lãi suất, tỉ giá… Cung cấp kịp thời thông tin thị trường trong và ngoài nước để định hướng cho doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng những cơ chế, chính sách nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia, bảo hộ nền sản xuất trong nước bằng những biện pháp mà các cam kết quốc tế không cấm.

Ba là, cải cách hành chính cần những nỗ lực mạnh mẽ để giảm thiểu thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, đăng ký, hỗ trợ doanh nghiệp tương ứng với các nước phát triển trong ASEAN (nhất là trong bối cảnh hội nhập TPP, AEC… sâu rộng như hiện nay).

Bốn là, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng và người sản xuất cũng cần tích cực, chủ động tìm kiếm thông tin, bố trí lại sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới và tự bảo vệ mình bằng cách hạ giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ.

Với TP.HCM, đã có sự quyết tâm cao dựa trên các trụ cột “đổi mới tư duy, sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân thành phố”, “sự liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng”, “các tháo gỡ về “nút thắt” thể chế của Trung ương”, thì thành phố hoàn toàn có khả năng đuổi kịp Thượng Hải, Bangkok, Seoul… về các hạ tầng thiết yếu, những yếu tố nền tảng cho phát triển bền vững, ngang tầm khu vực.

TS. NGUYỄN VĂN ÐIỂN

Thông báo